Sau khi nắm bắt được xu hướng kinh doanh vận tải đường sắt, Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) đang tiếp tục duy trì hoạt động liên vận hàng hóa và bước đầu khẳng định được lợi thế, tiềm năng phát triển của mình.
Theo đó, đường sắt Việt Nam đang tăng cường khai thác các tuyến vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt tới Trung Quốc, các nước Trung Á, châu Âu.
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đưa ra những sản phẩm mới đáp ứng thị trường như tàu container đông lạnh, tàu container chuyên tuyến đi Trung Quốc và quá cảnh nước này sang các nước thứ ba ở châu Âu, Nga, Mông Cổ, Trung Á…
Đánh giá về sự thay đổi mạnh mẽ của ngành đường sắt trong những năm qua, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam khẳng định: "Ngành đường sắt thay đổi lớn nhất trong vài năm qua là tư duy quản trị kinh doanh từ lãnh đạo lan tỏa đến người lao động".
Ông Mạnh cho biết, trước đây, ngành đường sắt thường tự ti, nghĩ mình nghèo khó và chỉ kêu, than thở. Tuy nhiên, đường sắt đã thay đổi tư duy, thẳng thắn nhận diện những khó khăn, tập trung xử lý dứt điểm.
"Qua đó, chúng tôi phải thay đổi bằng những gì mình đang có, không thể để xảy ra câu chuyện đi đâu cũng nói đường sắt là đặc thù, phải phá được lớp băng tư duy", ông Mạnh nêu rõ.
Để thị phần vận tải đường sắt ngày càng được cải thiện và nâng cao chất lương, ông Mạnh cho rằng: "Đường sắt đã nỗ lực bản thân tạo sức hút gần, sức hút xa như tàu chất lượng cao, cải cách chất lượng dịch vụ trên tàu, dưới ga; tàu hàng đưa cửa khẩu vào sâu với nội địa…"
"Đường sắt đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng như nâng cấp hạ tầng đường sắt, mở mới một số khu ga khách, cải tạo một số khu ga hàng; kết nối với khu công nghiệp, cảng biển…", ông Mạnh nói về tư duy quản trị của lãnh đạo đường sắt.
Về kế hoạch phát triển sắp tới, ông Mạnh khẳng định: "Thời gian tới, đường sắt sẽ tập trung phát triển các tàu khách khu đoạn (đường ngắn), đầu tư chất lượng phương tiện, nâng cao các dịch vụ phục vụ, có sự gắn kết giữa trên tàu với dưới ga.
Cùng với đó, đường sắt sẽ tăng cường liên kết với các công ty du lịch; tăng cường vận tải container, vận tải liên vận quốc tế và tích cực tham gia vào chuỗi logistics; nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến.
Đồng thời, đường sắt xác định hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều áp lực cạnh tranh trong vận tải hành khách từ tuyến hàng không và đường bộ, giảm giá cước vận tải hàng hóa. Năm 2024, đường sắt đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.258 tỷ đồng, trong đó sản lượng vận tải tăng khoảng 7,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, đường sắt đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất đạt 39.544 tỷ đồng; doanh thu Công ty mẹ đạt 26.190 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau so năm trước giai đoạn 2024 - 2025 phấn đấu đạt 4,7%/năm. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2023-2025 là 327 tỷ đồng (so với lợi nhuận giai đoạn 2021 - 2022 là -1.194 tỷ đồng).
Trong giai đoạn từ ngày 26/1- 26/2/2024 (tức từ ngày 16 tháng Chạp năm Quý Mão 2023 đến ngày 17 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024), hành khách đi tàu thực tế cả ngành dự kiến đạt hơn 720.000 khách, tăng trưởng 5%; doanh thu hơn 436 tỷ đồng, tăng trưởng 6%.
Tính riêng Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, có hành khách đi tàu thực tế đạt hơn 368.000 khách, tăng trưởng 4%; doanh thu hơn 187,6 tỷ đồng, tăng trưởng 6%.
Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết đơn vị đã triển khai công tác bán vé sớm phục vụ hành khách đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2024 từ ngày 15/10/2023 với chính sách giá vé linh hoạt, nhiều mức giảm giá khuyến mãi.
Tính từ ngày 26/1-26/2/2024, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã chạy tổng số 322 chuyến tàu Thống nhất; đưa 119 toa xe vận dụng để chạy 7 đôi tàu khách địa phương/ngày với tổng số 224 chuyến tàu địa phương.