Diện mạo đô thị thông minh TP.HCM nhìn từ trên cao
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong dài hạn, TP.HCM xác định phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên dịch vụ và đổi mới sáng tạo, trong đó Thành phố đặt mục tiêu nằm trong nhóm 10 thành phố toàn cầu.
Để thực hiện được điều này, trước mắt Thành phố phải trở thành ĐTTM. Nếu như Nghị quyết về cơ chế chính sách thí điểm phát triển TP.HCM được xem như động lực trực tiếp, thì việc xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM được xem như một đòn bẩy để Thành phố tăng trưởng vượt bậc so với phương pháp tăng trưởng truyền thống – chủ yếu dựa vào vốn và lao động; và còn được kỳ vọng như một làn gió mới để thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Đề án đề ra các giải pháp thực hiện, gồm: Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của Thành phố; Xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; Xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM; Thành lập Trung tâm An toàn thông tin Thành phố; Khung công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho ĐTTM của Thành phố;…
Trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh...
Dự án Khu công nghệ phần mềm thuộc Khu đô thị Đại học quốc gia TP.HCM - Trung tâm điều hành hệ thống đô thị thông minh trong tương lai.
Lộ trình triển khai Đề án. Giai đoạn 1 (2017-2020) triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cho ĐTTM trong đó tập trung vào hạ tầng điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu dự phòng, nền tảng dữ liệu mở, nền tảng phân tích dữ liệu lớn, kho dữ liệu dùng chung và các cơ sở dữ liệu dùng chung, trung tâm điều hành thông minh (IOC) với các nền tảng dịch vụ công dân và trung tâm giám sát an ninh thông tin (SOC - có thể được tích hợp vào trung tâm IOC);
Triển khai một số các giải pháp thông minh đáp ứng những nhu cầu cấp thiết hiện nay của Thành phố theo các chương trình đột phá để sớm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, bao gồm: Chính quyền số, giao thông, môi trường, chống ngập, an ninh trật tự, y tế và sức khỏe người dân,…
Giai đoạn 2 (2021- 2025) tập trung triển khai các giải pháp thông minh trong các lĩnh vực chuyên ngành một cách đồng bộ, giúp giải quyết các vấn đề quan trọng của Thành phố trong nhiều lĩnh vực; các giải pháp thông minh chuyên ngành đã khởi động từ giai đoạn 1 cần tiếp tục được mở rộng, cùng với việc cập nhật dữ liệu,…
Giai đoạn 3 (sau 2025) tiếp tục đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn sau 2025 hướng đến tầm nhìn dài hạn hơn; nền tảng công nghệ sẽ tiếp tục được củng cố để nâng cao năng lực xử lý, lưu trữ, mức độ an toàn, bảo mật; các giải pháp thông minh được nâng cấp theo hướng ngày càng thông minh hơn và mở rộng ra các lĩnh vực khác của đời sống.