Các thành tích "khủng" về kinh tế vĩ mô
Hải Phòng là thành phố có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước năm 2021, đạt 12,38% so với năm 2020. Mức tăng này tuy không đạt kế hoạch của tỉnh nhưng đứng đầu và gấp hơn 5 lần bình quân chung cả nước (1,5-1,9%).
Về quy mô GRDP năm 2021, Hải Phòng đứng thứ 6 cả nước với 315,7 nghìn tỷ đồng.
Về GRDP đầu người, Hải Phòng đứng thứ 5 cả nước, với 152,3 triệu đồng/người.
Về thu ngân sách, tổng thu ngân sách của thành phố đạt trên 90.400 tỷ đồng, tăng trên 7% so với năm 2020, vượt trên 17% so với dự toán Trung ương giao và vượt dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó, riêng thu nội đạt 35.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2020; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 54.000 tỷ đồng, tăng trên 13% so với năm 2020.
Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 18% so với năm 2020, cao hơn năm 2019 là 15%, gấp 4 lần bình quân chung cả nước là 3,6%.
Ngoài ra, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI của thành phố đạt trên 3,1 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với năm 2020 đưa thành phố này trở thành địa phương hút FDI hàng đầu cả nước năm 2021. Trong đó, dòng vốn đáng chú ý là LG Display đầu tư thêm 750 triệu USD vào dự án tại Hải Phòng ((nâng tổng vốn đầu tư của cả dự án lên 3,25 tỷ USD).
Kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng đạt trên 25 tỷ USD, tăng trên 23%; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 150 triệu tấn, tăng trên 7% so với năm 2020, gần bằng kế hoạch năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,2% so với năm 2020, còn 1,34%, đạt kế hoạch năm; tỷ trọng năng suất các yếu tố tổng hợp vào GRDP đạt kế hoạch năm là 41%.
Cũng trong năm 2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, với 88,58% đại biểu tán thành. Nghị quyết số 35/2021/QH15 nêu rõ mỗi năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: "Hải Phòng không chỉ là cực tăng trưởng mà còn là động lực phát triển cho cả nước".
Tiềm năng trở thành Thâm Quyến mới?
Trước đó, South China Morning Post nhận định: "Hải Phòng, được cho là có thể trở thành Thâm Quyến của Việt Nam, đang phát triển nhanh chóng, từ vị thế là trung tâm sản xuất của đất nước".
Kingston Lai, Giám đốc điều hành tại Asia Bankers Club nói: "Hải Phòng được cho là sẽ trở thành một "Thâm Quyến mới" vì đã chuyển mình thành một trung tâm công nghiệp và hậu cần hiện đại, thu hút lượng lớn đầu tư nước ngoài với các cam kết nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông". Theo ông Lai, khi Hải Phòng tiếp tục thu hút vốn nước ngoài và nền kinh tế phát triển, thành phố có thể sẽ đạt được thành công tương tự của Thâm Quyến.
Hải Phòng đã phát triển nhanh chóng, trở thành một trung tâm sản xuất theo hướng đi của Thâm Quyến (Trung Quốc) - trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới. Cách đây 40 năm, Thâm Quyến chỉ là một làng chài nhỏ.
Ông Paul Tonkes, Giám đốc Dịch vụ hậu cần và công nghiệp tại Cushman & Wakefield Việt Nam nói với South China Morning Post: "Sức hấp dẫn của Hải Phòng nằm ở tiềm năng phát triển dân cư gắn với các khu công nghiệp, giống như Hong Kong và nhiều địa phương ở Trung Quốc đại lục".
Trong tháng 1/2022, Hải Phòng đã nhận dòng vốn đầu tư lên tới gần 230 triệu USD. Cụ thể, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tổ chức hội nghị trao "Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư" cho 5 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng trong tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý có Dự án Trung tâm sản xuất điện tử Chilisin tại Việt Nam của Công ty TNHH Điện tử Chilisin (Hong Kong, Trung Quốc) tại khu công nghiệp VSIP Hải Phòng; đầu tư nhà máy sản xuất và gia công linh kiện điện tử cung cấp cho các đối tác Samsung, Apple.
Một dự án đáng chú ý nữa là Trung tâm Logistics ECPVN Hải Phòng 1 của nhà đầu tư Emergent VN Logistics Development Pte. Ltd. (Singapore) tại khu công nghiệp và dịch vụ hàng hải (DEEP C2B) với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD; đầu tư kinh doanh dịch vụ logistics, trong đó, cung cấp hệ thống kho lạnh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp.
Sắp tới, TP. Hải Phòng sẽ xây dựng Trung tâm Hành chính - Chính trị thành phố và Trung tâm Hội nghị - biểu diễn Thành phố Khu đô thị Bắc sông Cấm. Dự án Trung tâm Hành Chính – Chính trị mới rộng 324ha, nằm tại huyện Thuỷ Nguyên thuộc các xã Tân Dương, Dương Quan, Hoa Động, cạnh khu đô thị VSIP. Trung tâm Hành chính này có tổng kinh phí đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.