Phát biểu tại hội nghị “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – Những cam kết quan trọng và một số điều cần lưu ý” chiều 5.4 diễn ra tại Lâm Đồng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh những lợi thế khi Việt Nam gia nhập hiệp định trên.
"Khi chúng ta tham gia vào CPTPP, 95% các hàng rào thuế quan được loại bỏ đối với các sản phẩm của chúng ta xuất sang các nước. Chúng ta cũng sẽ có những điều kiện thuận lợi để mở cửa thị trường."
Lấy ví dụ, Bộ trưởng cho biết, trước khi gia nhập hiệp định thương mại, để mở cửa một sản phẩm xuất khẩu như quả thanh long, xoài sang thị trường Mỹ thì chúng ta phải làm hàng loạt thủ tục. Thậm chí phải mất từ 8-10 năm để có được 1 giấy phép xuất khẩu sản phẩm này. Chưa kể đến áp lực cạnh tranh mà hàng Việt phải chịu, đến từ chính sách bảo hộ cho nông dân của nước bạn.
Với hiệp định này, Việt Nam có điều kiện để nước ngoài bắt buộc phải thực thi điều khoản để mở cửa thị trường, đơn giản hóa các thủ tục và chúng ta có quyền để cùng kiểm soát và kiện nếu họ không thực hiện đúng điều khoản.
“Chúng ta được hưởng nhiều điều kiện thuận lợi từ chính phủ các nước tham gia Hiệp định thương mại CPTPP với Việt Nam. Quan trọng hơn, hướng tới mục tiêu cải cách mang tính đồng bộ trong hàng loạt cải cách nội dung mà chúng ta đã cam kết. Điều này sẽ giúp hoàn thiện về mặt thể chế, pháp lý những khung khổ quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển”, Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, đối với tỉnh Lâm Đồng, một tỉnh có cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số (45%), khi Việt Nam gia nhập CPTPP, tỉnh Lâm Đồng sẽ được hưởng những lợi ích trong việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của địa phương.
"Liên quan đến các mặt hàng nông sản cơ bản, các nước CPTPP yêu cầu sản phẩm phải có xuất xứ thuần túy, tức là phải trồng trên lãnh thổ Việt Nam. Các sản phẩm rau củ quả của Lâm Đồng hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Đối với mặt hàng nông sản chế biến, các nước CPTPP cho phép có thêm một quy tắc linh hoạt là hàm lượng giá trị khu vực 40%. Có nghĩa là, chúng ta có thể nhập khẩu thêm các nguyên liệu bên ngoài vào để cho ra những sản phẩm phù hợp với gu của từng quốc gia. Lâm Đồng có thể áp dụng nguyên tắc này đối với các mặt hàng chè, cà phê của tỉnh."
Bà Hiền cũng đưa ra khuyến nghị cho tỉnh, trên cơ sở xem xét lộ trình cắt giảm thuế quan, hoặc trên cơ sở xem xét quy tắc xuất xứ của những hiệp định nào thuận lợi hơn để doanh nghiệp chứng minh xuất xứ hàng hóa hơn, thì DN có thể lựa chọn những mẫu chứng giấy nhận xuất xứ ưu đãi tương ứng.
"Trong trường hợp nếu ưu đãi thuế quan của CPTPP tốt hơn thì các doanh nghiệp ngay lập tức có thể chuyển từ những mẫu cũ sang mẫu giấy chứng nhận CPTPP", bà Hiền cho biết.