Ngày 28/8, vụ cháy đã thiêu rụi khoảng 6.000 m2 nhà kho của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại số 87 - 89 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là một phần của tổng diện tích 5,7 ha đất mà Rạng Đông đang quản lý tại khu đất này, bao gồm trụ sở công ty, nhà máy, nhà kho...
Ô đất vừa bị cháy của Rạng Đông từ lâu được đánh giá là đất vàng, khi nằm ở một trong những khu vực phát triển nóng bất động sản thời gian qua.
Theo Quyết định số 6665/QĐ-UBND do UBND TP.Hà Nội ban hành ngày 3/12/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2.000 thuộc các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, khu đất quanh nhà máy Rạng Đông, phường Thanh Xuân Trung - nơi vừa xảy ra vụ cháy, nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị H2-3.
Khu đất quanh nhà máy Rạng Đông gồm các nhóm đất: 1 ô đất công cộng (kí hiệu CC), 1 ô đất cây xanh (kí hiệu CX), 2 ô đất trường học (1 trường trung học phổ thông, 1 trường tiểu học, kí hiệu TH), 1 ô đất hỗn hợp (kí hiệu HH) và 1 ô đất trống (chưa được quy hoạch).
Đáng chú ý, theo quyết định trên thì nguyên tắc của quy hoạch nêu rõ: Khu đất hỗn hợp được ưu tiên bố trí các chức năng thương mại, dịch vụ công cộng. Việc bố trí một phần (hạn chế) căn hộ phải đảm bảo được cấp thẩm quyền chấp thuận, đồng thời, đảm bảo các điều kiện hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực và chỉ dành để phục vụ dân cư khu vực.
Như vậy, nếu quyết định này không bị điều chỉnh quy hoạch, không ngoại trừ khả năng một phần diện tích khu "đất vàng" của Nhà máy Rạng Đông sẽ bị "biến" thành chung cư cao tầng.
Quy hoạch đất vàng nhà máy Rạng Đông.
(Xem thêm Quyết định số 6665/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội: Tại đây. Bản đồ quy hoạch khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2.000: Tại đây)
Các chung cư trong bán kính 500m có nguy cơ ảnh hưởng thủy ngân trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán vào thời điểm tháng 9/2018, bà Ngô Ngọc Thanh - Thời điểm đó đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Rạng Đông từng cho biết, mục đích Công ty xin ý kiến cổ đông bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản không phải là để phát triển theo mô hình đa ngành nghề, mà nó xuất phát từ quy hoạch của Thành phố là không được sản xuất các sản phẩm trong nội đô.
Rạng Đông đang sở hữu khu đất vàng 5,7 ha tại số 87 – 89 Hạ Đình, TP. Hà Nội, đây cũng chính là trụ sở và nhà máy của Công ty, sau này sẽ được quy hoạch thành văn phòng, tòa nhà làm việc hỗn hợp. Để làm được việc này, doanh nghiệp phải bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh bất động sản, cũng như đấu giá quyền sử dụng đất.
Được biết, nhà máy Rạng Đông nằm trong lộ trình di dời 117 cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành từ nay đến năm 2020. Chính Công ty Rạng Đông cũng có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất Hạ Đình rộng 5,7 ha này.
Thực hiện lộ trình trên, UBND TP Hà Nội cũng từng định hướng, quỹ đất của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sau khi di dời đều được UBND Thành phố xem xét chỉ đạo ưu tiên phục vụ đầu tư xây dựng bổ sung các công trình trường học, cây xanh, công trình công cộng đơn vị ở... phần diện tích còn lại được xem xét, đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở, trên cơ sở tính toán các chỉ tiêu, xem xét sự phù hợp với quy hoạch đảm bảo theo quy định hiện hành.