Thủ tướng phê duyệt lịch nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019 bắt đầu từ thứ Hai (4/2, ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Tuất) đến hết thứ Sáu (8/2, mùng 4 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Theo đó, đối với người lao động được nghỉ vào thứ Bảy và Chủ nhật thì Tết Nguyên đán 2019 sẽ có tổng cộng 9 ngày nghỉ- từ 2/2 đến hết 10/2.
Kỳ nghỉ Tết là khoảng thời gian lý tưởng để mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn sau 1 năm làm việc. Tuy nhiên, thời gian nghỉ tương đối dài trong khi nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng vẫn rất cao trong dịp này. Do đó, nhiều ngân hàng đã chủ động thông báo cho khách hàng lịch nghỉ Tết từ cách đây nửa tháng để họ nắm bắt được tình hình và có các kế hoạch trước cho những giao dịch cần thiết, đặc biệt là các giao dịch tại quầy.
Vietcombank thông báo cho biết sẽ ngừng giao dịch tại quầy từ thứ Bảy ngày 2/2 (tức 28 tháng Chạp năm Mậu Tuất) đến hết Chủ Nhật ngày 10/02/2019 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Từ ngày 11/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), các phòng giao dịch của Vietcombank sẽ hoạt động trở lại bình thường.
Tương tự, các ngân hàng như BIDV, Agribank, VietinBank, VPBank, Techcombank, VIB, VietABank,… cũng sẽ kéo dài nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trong 9 ngày từ 2/2 đến hết 10/2.
Trong khi đó, lịch nghỉ Tết theo thông báo của NamABank kéo dài từ ngày 4/2 (tức 29 tháng Chạp) đến hết ngày 10/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Được biết giờ làm việc của NamABank bình thường là từ sáng thứ 2 đến thứ 6 các ngày trong tuần và sáng thứ 7. Như vậy, so với các nhà băng khác, NamABank nghỉ tết muộn hơn 1 buổi sáng thứ 7 ngày 2/2.
Hay tại TPBank, trong dịp Tết Nguyên Đán 2019, ngân hàng vẫn sẽ phục vụ đầy đủ các giao dịch từ mở tài khoản, gửi tiết kiệm, nộp/rút tiền mặt cho tới nhận thẻ phát hành ngay lập tức thông qua hệ thống LiveBank.
Các ngân hàng cho biết, trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch, các giao dịch qua ứng dụng di động như Internet Banking, Mobile Banking, hoạt động của hệ thống ATM… vẫn diễn ra bình thường. Trường hợp có thắc mắc, khiếu nại, hay phản ánh… khách hàng đều có thể liên hệ với đường dây nóng của ngân hàng, hoạt động 24/7.
Đối với giao dịch nạp tiền, hiện nay đã có nhiều ngân hàng trang bị máy CDM (ATM đa chức năng) như DongABank, VPBank, ACB, Agribank,... nên khách hàng có thể nạp tiền trực tiếp vào tài khoản thông qua các máy ATM thế hệ mới này.
Các giao dịch đến hạn của khách hàng trùng vào dịp nghỉ sẽ được tự động chuyển đến ngày giao dịch kế tiếp tức thứ Hai, ngày 11/2 và thực hiện theo quy định của ngân hàng. Chẳng hạn các khoản tiền gửi có ngày đáo hạn rơi vào các ngày nghỉ sẽ thực hiện chi trả lãi, vốn vào ngày làm việc tiếp theo.
Mặc dù có các máy ATM và dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking,....nhưng nhu cầu giao dịch tiền mặt trong những ngày cận Tết là rất cao, khách hàng nên sắp xếp thời gian thực hiện các giao dịch có số tiền lớn trước thời gian nghỉ Tết để tránh gặp phải các tình huống ngoài mong đợi.
Bởi lượng khách hàng giao dịch quá lớn, nhiều cây ATM bị quá tải dẫn đến các trường hợp hy hữu như ATM nuốt thẻ, ATM không nhả tiền, ATM hết tiền, …Bên cạnh đó, theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, khách hàng cũng cần lưu ý trong việc bảo mật thẻ ngân hàng, đề phòng bị đánh cắp thông tin hay các tình trạng cướp giật, móc túi.
Tuy nhiên, việc gặp phải các sự cố như giao dịch báo thành công nhưng chưa, ATM nuốt thẻ,… là hoàn toàn có thể xảy ra. Các ngân hàng cho biết, trong những trường hợp như vậy khách hàng cần nhanh chóng gọi điện tới đường dây nóng hoạt động 24/7 để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Thời gian gần đây, NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng tăng cường chất lượng dịch vụ và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ATM dịp cuối năm. Trong đó, yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết, bao gồm kế hoạch tiền mặt cho ATM, tiếp quỹ ATM, nhân sự cho ATM, bảo trì, bảo dưỡng ATM…, đảm bảo mạng lưới ATM hoạt động hiệu quả, an toàn và thông suốt.