Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, VEA) vừa công bố BCTC soát xét với hàng loạt ý kiến ngoại trừ bởi Deloitte Việt Nam, xoay quanh tài sản Công ty.
Hàng loạt ý kiến ngoại
Thứ nhất liên quan đến khoản phải thu, tại ngày 30/6/2019, Tổng Công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu của khách hàng, phải thu về hỗ trợ vốn và phải thu về lãi hỗ trợ vốn tương ứng với số tiền lần lượt là 50,3 tỷ, 95,5 tỷ và 35 tỷ đồng.
Kiểm toán cho biết không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi của các khoản thu nói trên, cũng như không thể thực hiện các thủ tục thay thế để xác định giá trị dự phòng phải thu khó đòi cần phải trích lập. Do đó, Deloitte ý kiến không thể xác định liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hay điều chỉnh các khoản mục có liên quan hay không.
Thứ hai, với khoản mục hàng tồn kho, tại ngày 30/6/2019, Tổng công ty chưa đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được và trích lập dự phòng giảm giá tồn kho của một số hàng tồn kho với số tiền 155 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2018 là hơn 165 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, tại ngày 30/6/2019, VEAM đã đánh giá giá trị thuần có thể thưc hiện được của một số hàng tồn kho với số tiền 1.111 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2018 là 1.163 tỷ đồng) và đã trích lập tồn kho với số tiền là 35 tỷ đồng.
Kiểm toán cho biết không thể thu thập đủ bằng chứng để thực hiện hai động thái trên, do đó kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn hay điều chỉnh các khoản mục có liên quan hay không.
Thứ ba là chi phí trả trước dài hạn, tại ngày 30/6, các chi phí trả trước dài hạn của VEAM bao gồm chi phí trả trước dài hạn của CTCP Vật tư và Thiết bị toàn bộ - công ty con của VEAM với số tiền là 235 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2018 là 211,5 tỷ đồng); bao gồm chi phí khấu hao, lãi vay và một số chi phí khác của nhà máy sắt xốp phát sinh từ các năm trước.
Theo Deloitte, hãng này không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng để xác định tính hiện hữu, đầy đủ và tính chính xác của các khoản chi phí trả trước nói trên.
Thứ tư, Tổng Công ty cũng ghi nhận doanh thu bán 450 xe Mighty 2017 được bàn giao trong năm 2019 cho CTCP Thương mại dịch vụ TCG với số tiền gần 262 tỷ đồng, ghi nhận giá vốn, chi phí bán hàng và chi phí thuế TNDN hiện hành tương ứng tăng 230 tỷ; 1,6 tỷ và 6,1 tỷ đồng.
Đồng thời, trên bảng cân đối kế toán, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế đến cuối năm trước và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này (tại ngày 30/6/2019) sẽ lần lượt giảm đi và tăg lên với số tiền hơn 24 tỷ đồng.
Cuối cùng, như đã trình bày tại thuyết minh số 26, trong kỳ Tổng Công ty ghi nhận lãi phát sinh từ việc hỗ trợ vốn cho các công ty liên kết với số tiền hơn 371,6 tỷ, (6 tháng đầu năm 2018 là hơn 368 tỷ). Lãi phát sinh từ việc hỗ trợ vốn được Tổng Công ty xác nhận và ghi nhận phụ thuộc vào tình hình SXKD của các công ty liên kết. Deloitte cho viết không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá tính hiện hữu, đầy đủ và chính xác của các khoản lãi vay nêu trên, cũng như không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để xác định lãi vay cần ghi nhận của các khản hỗ trợ vốn. Do đó, đơn vị kiểm toán này không thể xác định liệu có cần thiết để điều chỉnh doanh thu hoạt động tài chính và các khoản mục có liên quan hay không.
Bên cạnh đó, Deloitte cũng nhấn mạnh về Thuyết minh 33 phần Thuyết minh BCTC hợp nhất giữa niên độ, các cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt chính thức biên bản quyết toán cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng Công ty tại thời điểm Công ty mẹ - Tổng Công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Lợi nhuận sau soát xét giảm về 3.328 tỷ đồng
Về Tổng Công ty, trước đó, ngày 3/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CO3) đã ra quiết định khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại VEAM và một số đơn vị thành viên do có liên quan mật thiết đến các khoản tồn kho của VEAM.
Ghi nhận, cùng với việc duyệt các dự án hỗ trợ vốn, cho vay sai nguyên tắc lên tới hàng nghìn tỷ đồng, những sai phạm về quản lý, kinh tế, quản lý đất đai và điều hành doanh nghiệp làm mất, khó thu hồi vốn nhà nước tại nhiều đơn vị thuộc VEAM dưới thời các ông Nguyễn Thanh Giang, Lâm Chí Quang và Trần Ngọc Hà (cả ba bị bắt giam cuối tuần qua) đã hé lộ những phi vụ làm ăn kiểu ném tiền Nhà nước qua cửa sổ.
Mới đây, trong một báo cáo gửi lãnh đạo và các cơ quan chức năng (dẫn nguồn từ Tienphong), lãnh đạo VEAM đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm liên quan đến việc đầu tư Dự án nhà máy ôtô VEAM (VM) đặt tại Thanh Hóa dưới thời ông Hà (từ 2011 đến 2018) hoạt động thiếu hiệu quả.
Về tình hình kinh doanh, quý 2/2019 với doanh thu thuần 1.116 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế quý 2 của VEAM lại ghi nhận mức tăng trưởng 8% lên 2.147 tỷ đồng. Lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ phần lãi trong công ty liên doanh liên kết với 2.109 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, VEAM là đơn vị nắm giữ 30% cổ phần Honda, 20% cổ phần Toyota, 25% cổ phần Ford và đây cũng là nguồn lợi nhuận chủ yếu của công ty trong nhiều năm qua.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VEAM ghi nhận 3.328 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm so với con số tự lập là 3.418 tỷ đồng trước đó. Tính tới cuối quý 2/2019, tổng tài sản VEAM đạt 29.310 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và tương đương của VEAM lên tới 12.377 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản công ty. Việc nắm giữ lượng tiền và tương đương lớn (bao gồm hơn 10.000 tỷ đồng gửi ngân hàng) đã giúp VEAM thu về hàng trăm tỷ doanh thu tài chính mỗi quý.