Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 4 tháng đầu năm mới đây, lãnh đạo thành phố cũng đã thừa nhận, thời gian qua xuất hiện nhiều đối tượng "tiếp tay" để tăng giá đất ảo bằng việc đưa ra những thông tin sai lệch.
Thậm chí, vì lợi ích cá nhân, một cán bộ chính quyền địa phương đã thông tin không rõ ràng, minh bạch và chính xác tình trạng đất dẫn đến việc người dân đổ xô đi mua, làm tăng giá đất ảo. Hậu quả cuối cùng vẫn là người dân phải gánh chịu, trong khi đối tượng đầu cơ, cò mồi không hề bị thua thiệt. Cá biệt, tại một số khu vực đất đai đã được Nhà nước thu hồi, nhiều đối tượng vẫn cầm giấy phô tô để thực hiện mua bán, giao dịch nhưng chính quyền chưa kiểm soát được.
Ngay cả với Quyết định 60/2017 quy định diện tích tối thiểu tách thửa, nhiều nơi vẫn chưa thống nhất trong quá trình thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa.
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố, để thống nhất việc giải quyết tách thửa theo Quyết định 60, nên thống nhất áp dụng đối với đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở, đất dân cư xây dựng mới nhưng phải có quy hoạch chi tiết 1/500, cơ cấu sử dụng đất ở phải phù hợp với đồ án quy hoạch được duyệt, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo và không giải quyết tách thửa đối với đất sử dụng hỗn hợp không có chức năng ở (để bố trí hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đô thị, công viên cây xanh…).
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tình trạng tái diễn cơn sốt giá đất ở vùng ven thành phố do nhiều nơi được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tốt (quận 2, quận 9) và thông tin quy hoạch thành phố sẽ xây dựng Khu đô thị sáng tạo tại khu Đông (địa bàn quận 2, quận 9, quận Thủ Đức).
Những yếu tố nói trên mang tính khách quan, giới đầu nậu và cò đất đã lợi dụng để tung tin đẩy giá để kích thích thị trường, làm cho người dân có tâm lý đám đông đổ xô đi mua đất tạo nên cơn "sốt ảo" giá đất.
Từ đó, sắp tới Sở này phối hợp cùng các đơn vị liên quan sẽ tiến hành công khai tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, thông tin quy hoạch để người dân chủ động nắm bắt tình hình và thông tin chính xác để quyết định đầu tư, tránh nghe những thông tin sai lệch.
Đặc biệt, Sở Xây dựng cho rằng một trong những giải pháp vừa đáp ứng nhu cầu tách thửa chính đáng của người dân vừa đảm bảo giữ vững quy hoạch đô thị, hạn chế việc phân lô tự phát tràn lan là kiên quyết chấn chỉnh trong quản lý đô thị tại địa phương, thậm chí xử lý nghiêm hành vi tiếp tay cho việc hợp thức hoá các dự án đất nền trái phép.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ dân trong thời gian qua có đất nông nghiệp muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc tách thửa theo diện tích quy định để phục vụ nhu cầu ở chính đáng nhưng chậm được giải quyết.
Trước diễn biến phức tạp đó, UBND TP.HCM đã đề nghị Công an thành phố và các ngành chức năng phải tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng giấy tờ nhà đất phô tô của người dân sử dụng vào mục đích buôn bán bất hợp pháp.
Nhằm thực hiện sớm, đồng bộ và đúng Quyết định 60, giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, thổi giá ảo đất nền, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện và sở ngành liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành giải quyết tách thửa, công bố khu vực quy hoạch đất dân cư hiện hữu hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang, tăng cường quản lý ranh, vùng sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn xác định loại hình sản xuất đất nông nghiệp, kiểm tra kết nối giao thông để giải quyết nhu cầu tách thửa của người dân.