Thay mặt Chính phủ đọc báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 sáng 20/5, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết năm 2019 sẽ là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Kinh tế vĩ mô được Chính phủ đánh giá là tiếp tục ổn định trong những tháng đầu năm. Tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua, cho thấy lạm phát đang được kiểm soát, thu ngân sách khá, đời sống nhân dân được cải thiện. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực cải cách hành chính và đánh giá cao triển vọng trong trung hạn của Việt Nam.
Phó Thủ tướng khẳng định kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, cân đối các mục tiêu chính; thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với chính sách tài khóa; xử lý triệt để tín dụng đen. Việt Nam phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đọc báo cáo tại Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.
Phó Thủ tướng khẳng định tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng dầu, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát. "Thanh tra giá điện, phương pháp tính và thu tiền điện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật", Phó Thủ tướng nói. Việt Nam khuyến khích các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối trong việc phát triển nguồn điện phục vụ đời sống kinh tế xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Chính phủ cho rằng kinh tế xã hội Việt Nam còn những vấn đề. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, căng thẳng thương mại, tình hình bất ổn chính trị ở nhiều nơi diễn biến khó lường. Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong khi đó, nền kinh tế còn tính yếu kém, sức chống chịu và năng lực cạnh tranh chưa cao.
Cùng với đó, ở trong nước, tiến trình cổ phần hóa chưa đáp ứng, xử lý dự án yếu kém còn khó khăn, chi ngân sách chưa tiết kiệm, sản xuất nông nghiệp khó khăn khi dịch tả lợn, hạn hán nắng nóng... cũng ảnh hưởng tới kinh tế xã hội.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế để hoàn thành các mục tiêu.
Đặc biệt, Việt Nam cần phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. "Thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp công nghệ, phát triển công nghệ lõi, công nghệ nguồn được khuyến khích. Viêt Nam khuyến khích khởi nghiệp và sẽ đưa trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia vào hoạt động.
Tại báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội, với mức tăng trưởng Quý I đã đạt được, nếu các Quý còn lại (Quý II, III và IV) đều đạt mục tiêu kịch bản đề ra, dự kiến tăng trưởng GDP cả năm 2019 ở mức 6,78%. Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 ở mức 6,8%, trong những tháng tới các bộ, ngành và địa phương phải hết sức nỗ lực, cố gắng, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng phải đạt cao hơn.
Năm 2018, cả 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đều đạt và vượt, trong đó có chỉ tiêu vượt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008. Quy mô GDP theo giá hiện hành tăng thêm gần 536 nghìn tỷ đồng so với năm 2017. Bình quân thu nhập đầu người là 2.590 USD, tăng thêm 201,6 USD so với năm 2017, gấp 1,23 lần so với năm 2015.
Nợ công ở mức 58,4% GDP, thấp hơn con số báo cáo Quốc hội là 61,4% GDP.