Trong thời đại phát triển của công nghệ số, vị thế của các điểm giao dịch ngân hàng hiện hữu có vẻ như đang giảm sút. Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng mạng lưới vẫn được các ngân hàng thương mại xem là một nhu cầu cần thiết bởi đây chính là một trong những địa điểm lý tưởng để ngân hàng đẩy mạnh hoạt động bán lẻ bằng cách gia tăng độ phủ sóng và tiếp cận những khách hàng mới.
Số liệu chúng tôi tổng hợp từ báo cáo tài chính bán niên năm 2019 và giới thiệu của các ngân hàng cho thấy, đến thời điểm tháng 9 năm nay, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam (tính cả Agribank) có hơn 11.300 chi nhánh, phòng giao dịch trải khắp cả nước, một số ngân hàng có chi nhánh nước ngoài như Sacombank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV, SHB, MB, …
Agribank, LienVietPostBank, Vietinbank và BIDV là những ngân hàng có mạng lưới giao dịch lớn nhất, chiếm tới 50% tổng số lượng các điểm giao dịch của toàn hệ thống. Trong đó, Agribank dẫn đầu với 2.232 điểm giao dịch, con số này gấp đôi cả VietinBank (1113 điểm giao dịch) và BIDV (1060 điểm giao dịch). Việc sáp nhập Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện năm 2011 giúp LienVietPostBank có thêm hơn 1.300 phòng giao dịch bưu điện, nâng tổng số chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng này lên con số 1253, xếp thứ 2 toàn hệ thống.
Mạng lưới giao dịch đồ sộ thực tế đã đem lại nhiều ưu thế vượt trội cho một số nhà băng như tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ, song gián tiếp đẩy chi phí hoạt động của ngân hàng tăng cao.
Nhiều ngân hàng có ít thậm chí rất ít điểm giao dịch nhưng lợi nhuận lại không hề khiêm tốn. Vietcombank và Techcombank là hai ngân hàng có có lợi nhuận cao nhất trong nửa đầu năm 2019 nhưng lại có mạng lưới chỉ đứng thứ 6 và thứ 9, với số lượng điểm giao dịch lần lượt là 537 và 313, không bằng một nửa của Agribank. Đáng chú ý trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, TP Bank khiêm tốn với chỉ 75 điểm giao dịch.
Cùng với việc mở rộng các điểm giao dịch, các ngân hàng hiện nay còn hướng tới việc gia tăng độ phủ thương hiệu khắp mọi tỉnh thành trên toàn quốc và ở cả nước ngoài. Vẫn là những cái tên như Agribank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, LienVietPostBank cùng với số lượng "khủng" các điểm giao dịch đã phủ khắp toàn bộ 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Vietcombank, MBBank cũng chạy đua với số lượng tỉnh thành hoạt động lên đến 53 tỉnh thành hay MSB và SHB với khoảng 50 tỉnh thành.
Một số ngân hàng khác chưa thực sự quen thuộc với đa số khách hàng thì mới xuất hiện ở những địa bàn hoạt động là các tỉnh thành lớn như Nam A Bank (17 tỉnh thành), VietABank (16 tình thành), Eximbank (22 tỉnh thành), NCB (27 tỉnh thành), … Cũng có khác nhiều ngân hàng đã lan tỏa thương hiệu đi khá nhiều tỉnh thành với mức 30 đến 50 tỉnh thành.
Có thể thấy, với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hiện nay, việc tính toán về số lượng cũng như địa điểm mở rộng mạng lưới là một câu hỏi lớn cho các ngân hàng. Bởi nếu không suy xét kĩ càng, rất có thể doanh thu mà chi nhánh đó mang lại không đủ bù đắp cho chi phí vận hành. Bên cạnh đó, việc đáp ứng được các nhu cầu khắt khe của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy mở thêm điểm giao dịch không phải là một điều dễ dàng. Tuy nhiên cuộc đua mở rộng mạng lưới điểm giao dịch này vẫn sẽ còn diễn ra rất mạnh mẽ và sự phát triển của mỗi nhà băng về chất lượng sẽ là một yếu tố lớn quyết định độ bao phủ mạng lưới của mỗi ngân hàng.