Hơn 13,6 triệu cổ phiếu của CTCP Cà phê Phước An dự kiến giao dịch lên sàn với mã chứng khoán CPA, tương đương vốn điều lệ đăng ký vào mức 136,3 tỷ đồng. Trong số đó, Cà phên Phước An dự kiến chào bán hơn 3,4 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược (hạn chế chuyển nhượng 5 năm).
Tính đến thời điểm 15/8/2019, CPA có 2 cổ đông lớn là UBND tỉnh Đăk Lăk nắm 35% vốn và Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood nắm gần 61% vốn. Hiện, Công ty không có cổ đông nước ngoài.
CPA được thành lập vào 1996 với vốn ban đầu hơn 136,3 tỷ đồng, sau nhiều năm hoạt động đến nay CPA chưa từng tăng vốn. Công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực trồng và chế biến cà phê, mua bán nông sản.
Năm 2017, Công ty chính thức IPO với tổng cổ phần chào bán hơn 3,7 triệu đơn vị, giá bình quân đạt 10.006 đồng/cp. Đến tháng 10/2017, CPA được UBCKNN chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, tháng 11/2019 được VDS cấp chứng nhận đăng ký chứng khoán (số lượng 13,6 triệ cổ phần).
Hiện, CPA được biết đến là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về sản xuất, xuất khẩu cà phê theo tiêu chuẩn UTZ Certified (cà phê sạch đảm bảo truy nguyên nguồn gốc). Ngoài ra, CPA cũng hoạt động tại các lĩnh vực khác như mua bán nông sản (tiêu, bắp, điều, sầu riêng, bơ booth...), mua bán vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...), kinh doanh bất động sản và đầu tư khu công nghiệp. Trong đó, cà phê là mảng kinh doanh chính chiếm đến 99% doanh số các năm trở lại đây.
Về tình hình hoạt động, trong giai đoạn 2017 đến 9 tháng đầu năm 2019, ngành cà phê trong nước có nhiều biến động. Do tình hình thời tiết bất thường, mùa khô kéo dài, mưa dứt sớm, lượng nước ao hồ sông ở mức thấp dẫn đến cây trái vụ, sâu bệnh phát triển không theo quy luật, khó chăm sóc, năng suất theo đó giảm sút mạnh. Chưa kể, giá bán liên tục giảm do tình hình cung vượt cầu dẫn đến hiệu quả toàn ngành nói chung và CPA nói riêng giảm mạnh.
Kết quả, doanh thu thuần năm 2018 chỉ tăng hơn 7% lên 198 tỷ đồng, sang 9 tháng đầu năm 2019 thậm chí giảm 19% so với cùng kỳ, chỉ còn 142 tỷ đồng. Áp lực giá vốn cao và biến động mạnh, cùng việc phát sinh tăng chi phí chuyển đổi hình thức kinh doanh, lỗ chênh lệch tỷ giá chi phí lãi vay... khiến CPA liên tục thua lỗ. Năm 2017 lỗ 35 tỷ, sang năm 2018 tiếp tục lỗ 35 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm nay thậm chí mức lỗ tăng lên 39 tỷ đồng.
Kế hoạch cho năm 2019, CPA dự kiến doanh thu tăng gần 10% lên 217 tỷ đồng, tiếp tục dự trù lỗ 27 tỷ đồng. Công ty hiện chưa có kế hoạch cho năm 2020.
Tính đến thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản CPA giảm 30% về chỉ còn 283 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn (chủ yếu là tiền) giảm 44% và tài sản dài hạn (chủ yếu là tài sản cố định hữu hĩnh và chi phí trả trước dài hạn) giảm hơn 19%. Tổng dư nợ vay Công ty tính đến ngày 30/9/2019 là 146,5 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn.