Ngày 26/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu giới chức trách bảo vệ mạng sống của người dân khi nước này đang đối mặt với làn sóng lây lan lớn của đại dịch Covid-19.
"Ở thời điểm hiện tại, nhiệm vụ ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid-19 ở Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức mới", AFP dẫn tuyên bố đầu tiên về chủ đề dịch Covid-19 của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi Bắc Kinh quyết định nới lỏng các biện pháp cách ly phòng dịch.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho người cao tuổi tại một trung tâm dịch vụ y tế cộng đồng ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc - Ảnh: CHINA DAILY
"Chúng ta phải củng cố hàng rào chống dịch Covid-19 với sự tham gia của cộng đồng, nhằm ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân", ông Tập nhấn mạnh.
Sau 3 năm duy trì chính sách Zero Covid-19 nhằm kiểm soát dịch bệnh, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp cách ly và xét nghiệm nghiêm ngặt của nước này. Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch đã khiến cho Trung Quốc phải trải qua một làn sóng lây lan virus corona cực mạnh, ảnh hưởng đến nhiều khu vực của nước này.
Theo Nikkei Asia, vào hôm 25/12, chính quyền tỉnh Chiết Giang cho biết đã ghi nhận khoảng một triệu ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày. Họ đồng thời dự đoán số ca nhiễm hàng ngày sẽ đạt đỉnh vào khoảng ngày đầu năm mới Dương lịch, có thể ở mức 2 triệu ca.
Trong khi đó, thành phố Đông Hoản của tỉnh Quảng Đông hôm 23/12 cho biết số ca nhiễm hàng ngày dao động ở mức 250.000-300.000. Con số đó của thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông ước tính là 490.000-500.000 ca.
Đặc biệt, cũng trong ngày 23/12, hãng tin Bloomberg trích ra từ một biên bản họp nội bộ của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hôm 21/12 về số lượng người dân nhiễm bệnh tăng lên khủng khiếp. Theo đó, chỉ trong 20 ngày đầu tiên của tháng 12/2022, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ước tính, khoảng 248 triệu người Trung Quốc có thể đã nhiễm COVID-19. Con số này tương đương 18% dân số của Trung Quốc. Đáng chú ý, có một ngày trong tuần này số ca nhiễm mới lên tới 37 triệu người, vượt xa các kỷ lục của những ngày trước đó.
Báo Mỹ đặt nghi vấn có tới 37 triệu người mắc Covid-19 chỉ trong một ngày ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Trang thống kê về COVID-19 worldometers.info vẫn giữ số ca mắc ở Trung Quốc là hơn 393.000 người tính đến chiều 23/12 (theo giờ Việt Nam). Trong đó, số ca tử vong là hơn 5.200, đứng thứ 89 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ mà trang này thống kê.
Hiện giới chức y tế Trung Quốc chưa lên tiếng về các thông tin trên hãng tin của Mỹ.
Trước tình trạng số ca nhiễm nCoV tại Trung Quốc tăng đột biến, người dân nước này đã có động thái "săn lùng" một số loại thực phẩm như đào, chanh vàng đóng hộp cùng các sản phẩm thuốc hạ sốt, thuốc y học cổ truyền để phòng ngừa dịch bệnh.
Trong một cuộc họp báo tháng 12, Liu Qingquan, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Bắc Kinh, cho biết các bài thuốc Trung y "có tác dụng tốt" trong việc kích thích chức năng tiêu hóa, điều trị sốt và nhiều triệu chứng của biến chủng Omicron nếu được kết hợp với dược phẩm phương Tây.
Người dân xếp hàng tại một cửa hàng thuốc ở Trung Quốc - Ảnh: Global Times
Nhanh chóng, cổ phiếu của các công ty sản xuất mặt hàng Trung y đạt mức cao nhất vào đầu tháng 12. Chẳng hạn, cổ phiếu của Shijiazhuang Yiling Pharmaceutical, công ty sản xuất Liên Hoa Thanh Ôn - một loại thuốc Trung y hỗ trợ điều trị Covid - đã tăng 184% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng dược Sanjiu Medical & Pharmaceutical có mức tăng tương tự, hơn 142%.
Cùng với đó là "cơn sốt" chanh vàng bắt nguồn từ phát ngôn của Giám đốc Bệnh viện Thụy Kỳ, trực thuộc Trường Y Đại học Giao Thông Thượng Hải. Tại cuộc họp báo chống dịch ngày 8/12, ông cho biết "người mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc chỉ bị nghẹt mũi có thể uống nước cắt thêm vài lát chanh vàng".
Trong tháng này, một số cửa hàng tạp hóa ở Bắc Kinh đã bán hai quả chanh với giá 13 nhân dân tệ (1,86 USD), gấp đôi giá thông thường. Một người dùng mạng xã hội Weibo cũng cho biết cô đã phải bỏ ra 12 nhân dân tệ (1,72 USD) để mua hai quả chanh. "Tôi không biết giá chanh có thể tăng gấp đôi trong một ngày", cô nói.
Theo báo chí địa phương, có thời điểm, chanh "cháy hàng" tại các chợ truyền thống và trên cả nền tảng thương mại điện tử ở Thành Đô.
Nông dân không thể cung cấp đủ chanh vàng để phục vụ người dân - Ảnh: Bloomberg
Wen, một nông dân, cũng cho biết sản lượng chanh không đủ phục vụ nhu cầu dân chúng. Wen là chủ sở hữu vườn chanh rộng 53 ha ở An Nhạc, thành phố thuộc tỉnh Tứ Xuyên - nơi sản xuất khoảng 70% lượng chanh ở Trung Quốc. Anh cho biết doanh số bán hàng của mình đã tăng vọt 20-30 tấn mỗi ngày, gấp 4 đến 5 lần so với trước đó.
Bên cạnh chanh, người Trung Quốc cũng lùng sục đào đóng hộp vì cho rằng đây là loại "thần dược" chống cúm. Trong tiếng Trung, đào phát âm là "tao", khiến nhiều người quan niệm ăn đào giúp "thoát bệnh tật".
Theo Global Times, một công ty sản xuất đào hộp ở Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, ghi nhận đơn đặt hàng cao gấp 10 lần kể từ ngày 9/12. Trên nền tảng thương mại điện tử, 7 sản phẩm tiện lợi phổ biến nhất đều là các nhãn hiệu đào vàng đóng hộp. Một thương hiệu nội địa báo cáo đã bán được tổng cộng 30.000 hộp đào vàng trong vòng 24 giờ.
Tại một siêu thị ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, tổng cộng 147 hộp đào đã được người dân mua sạch trong vòng một giờ. Nhiều nơi phải đặt biển báo "hết hàng", nhân viên cho biết sẽ bổ sung sau.
Đào đóng hộp cũng là thực phẩm được người dân tích trữ và coi đây là thần dược - Ảnh: Sixthtone
Song, theo các chuyên gia, dù vitamin C có thể giúp nâng cao đề kháng nhưng nước chanh và đào không phải phương pháp hiệu quả điều trị Covid-19.
"Đào vàng đóng hộp không thực sự là một loại thuốc đặc trị sốt ho. Nó giống như giả dược, ngọt ngào như chiếc bánh bạn ăn hay ly trà sữa uống lúc căng thẳng", Gao Xiaoling, Phó giám đốc bệnh viện ở Thiểm Tây, nói trên Nhân dân Nhật báo.
Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy chanh vàng, nước chanh hoặc axit trong chanh không tiêu diệt, ngăn ngừa nCoV như nhiều người lầm tưởng. Thực tế, virus lây lan trong cơ thể bằng cách xâm nhập vào tế bào, từ đó nhân lên. Chanh (hoặc các loại quả chứa vitamin C) dù sử dụng dưới hình thức nào cũng không ngăn ngừa hoặc chặn đứng quá trình tự sao chép của virus.