Phát biểu tại Khai mạc kỳ họp thứ 7 khoá XIV, bà Nguyễn Thanh Hải – Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội – Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết: Theo báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6 đã tổng hợp được 2.293 kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp,... Đến nay 2.290 kiến nghị đã được trả lời (đạt 99,87%).
Cử tri đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội, các thảo luận thẳng thắn trí tuệ, vừa mang tính phản biện, vừa mang tính xây dựng, hoạt động tiếp xúc cử tri có hiệu quả cao. Đặc biệt việc trả lời nhiều kiến nghị của cử tri đang quan tâm tạo sự phấn khởi, tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, "chất lượng trả lời một số kiến nghị còn bất cập".
Các Đoàn ĐBQH đánh giá có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri đã được, nhưng một số Đoàn vẫn tiếp tục có nhận xét cho rằng, nhiều văn bản trả lời cử tri thường thiên về trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, trong khi cử tri đánh giá các quy định này đã và đang bất cập, không còn phù hợp, lạc hậu với thực tiễn nhưng không được giải trình thấu đáo.
Ngoài ra, một số văn bản trả lời cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề mà cử tri nêu còn rất chung chung như "đã giao", "đang chỉ đạo giải quyết" chứ chưa đi thẳng vào vấn đề mà cử tri phản ánh, chưa chỉ ra trách nhiệm của Bộ, ngành mình trong công tác quản lý hoặc tổ chức thực hiện nên còn thiếu thuyết phục.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một số quyền lợi của người dân đã được pháp luật quy định, nhưng tổ chức thực hiện còn chưa tốt nên người dân chưa được thụ hưởng, tiếp tục kiến nghị.
Hơn nữa, việc tiếp thu kiến nghị của cử tri về sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính còn chậm nên một số vi phạm chưa được xử lý thỏa đáng.
Cử tri Tây Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng cho rằng Nghị định 167 của Chính phủ về sử phạt hành chính cho một số lĩnh vực an ninh trật tự cần sớm được rà soát sửa đổi để bổ sung phù hợp với thực tế.
Chẳng hạn nghiên cứu bổ sung thêm một số hành vi như "cố ý tố cáo sai sự thật"; hành vi quấy rối tình dục,... nghiên cứu sửa đổi mức xử phạt nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính răn đe, tránh để hiện tượng như vừa qua với hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tại một chung cư ở Hà Nội, nhưng mức xử phạt theo Nghị định số 167 chỉ là 200.0000 đồng khiến dư luận bức xúc do mức phạt quá nhẹ chưa tương xứng với hậu quả và tác động xấu gây ra về dư luận xã hội.
Cử tri Bến Tre, An Giang cho rằng mức xử phạt hành chính trong một số trường hợp còn chung chung, chưa phân biệt rõ mức vi phạm với mức xử phạt tương ứng.