Ông Dũng nói tại tọa đàm: "Chúng ta thấy rằng, biểu giá điện bậc thang có mục tiêu rất rõ ràng. Thứ nhất là khuyến khích tiết kiệm điện. Rõ ràng, điện năng là nguồn năng lượng không thể phục hồi được, nếu dùng nhiều ta sẽ mất đi. Các quốc gia càng giàu thì càng tiết kiệm. Họ vẫn hướng tới việc sử dụng giá điện bậc thang.
Thứ hai, rõ ràng, trong biểu giá điện bậc thang, cũng có vấn đề là người sử dụng ít điện thì được sử dụng điện với giá thấp hơn, nên cuộc sống của họ tốt hơn. Đó là thể hiện sự nhân văn của chính sách. Đó là những cái được của giá điện bậc thang. Điều này được quy định trong Luật Điện lực. Luật Điện lực yêu cầu rất rõ phải hướng đến vấn đề tiết kiệm điện, và có chính sách để hỗ trợ người có thu nhập thấp" - ông Dũng bổ sung thêm.
Xét đến việc liệu biểu giá điện hiện tại có còn phù hợp hay không, ông Dũng giải thích, thu nhập của chúng ta càng ngày càng tăng lên, nên mức độ sử dụng bình quân với các hộ cũng tăng lên. Năm 2016, mức sử dụng điện bình quân hộ gia đình là 156 kWh/tháng. Đến năm nay đã tăng lên 189 kWh/tháng. Mức độ tăng như vậy, theo ông Dũng, cho thấy đời sống nhân dân đã được cải thiện rất nhiều, sử dụng nhiều thiết bị điện hơn. Do đó, lượng điện sử dụng cũng tăng lên.
Ông Dũng cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục hướng tới tiết kiệm điện và hỗ trợ cho người nghèo thì nên duy trì giá điện bậc thang.
"Ít ra, chúng ta cũng đi theo con đường của những nước văn minh trên thế giới. Tuy nhiên, khi đời sống nhân dân tăng lên, chi tiêu người dân tăng lên, ý thức tiết kiệm điện được tuyên truyền và người dân hiểu vấn đề tiết kiệm điện thì chúng ta cũng nên điều chỉnh tránh việc giao mùa mức thay đổi quá nhiều, tạo nên tâm lý không tốt với người dân. Tôi nghĩ là nên thay đổi. Quan điểm của tôi là như vậy" - ông Dũng chia sẻ.