Ngày 22/7 tại Hà Nội, Ban KTTW và Chính phủ đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu địa phương và các đại biểu quốc tế "Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020".
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng còn gắn liền với những hoạt động chính trị ngoại giao, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa đó của năng lượng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách phát triển năng lượng, điển hình là Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị Khóa X về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 và Kết luật số 26 ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị Khóa XI về chiến lược quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam.
Sau 10 năm thực hiện nghị quyết 18 và 15 năm thực hiện Kết luận số 26, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ, Ngành, cơ quan liên quan xây dựng đề án, tổng kết để ban hành nghị quyết mới, phù hợp với yêu cầu phát triển và bối cảnh phát triển mới của đất nước.
Tổng kết cho thấy, trong thời gian qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có những bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng, đã bám sát định hướng và hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và trên cả nước.
Tuy vậy, ông Bình cho rằng, ngành năng lượng nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức. Các lượng cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch. Một số chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
"Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế. Hiệu quả khai thác sử dụng năng lượng còn thấp. Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ. Thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện. Độc quyền nhà nước còn cao. Chính sách giá năng lượng còn nhiều bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội" - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Trên cơ sở đề án tổng kết, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55, ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sau khi được ban hành, với những quan điểm mới, mạnh mẽ và đột phá về phát triển năng lượng quốc gia, Nghị quyết 55 đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tạo sự hưởng ứng và đồng thuận mạnh mẽ trong toàn thể hệ thống chính trị.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (trái) và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (giữa) đi thăm các gian hàng tại Diễn đàn Cấp cao Năng lượng 2020. Ảnh: H.L
Trong thư khuyến nghị về vấn đề chuyển đổi bền vững ngành năng lượng tại Việt Nam, ngày 2/6/2020, được đồng ký bởi Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, thay mặt nhóm 16 vị đại sứ là các thành viên của nhóm không chính thức các đại sứ về hợp tác phát triển đánh giá: Nghị quyết 55 được ban hành hết sức kịp thời, tạo bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia. Giành ưu tiên cao hơn cho việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch. Nghị quyết đã được cụ thể hóa bằng các chính sách đầy tham vọng nhằm thực hiện mục tiêu trên.
Trong thời gian qua, trên cơ sở vận dụng sáng tạo các định hướng và giải pháp đề ra trong Nghị quyết vào thực tiễn, một số địa phương và doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu đề xuất và kịp thời xử lý tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc để phát triển năng lượng. Việc xây dựng bổ sung quy hoạch các dự án điện, nhất là năng lượng tái tạo được chú trọng và nâng cao hiệu quả. Nhiều dự án năng lượng sạch quy mô lớn được đề xuất triển khai phù hợp với quan điểm định hướng bên trong Nghị quyết 55.
"Thông qua diễn đàn này, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo chương trình hành động cũng như cơ chế chính sách để triển khai cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương đã nêu ra trong Nghị quyết 55" - ông Bình cho biết thêm.