Hôm nay (26/2), Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức Hội nghị cho ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chủ trì hội nghị.
Báo cáo của tỉnh Hải Dương cho biết GRDP của tỉnh bình quân 5 năm đạt 9,1%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 74,4 triệu đồng (3.200 USD). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 203.738 tỷ đồng, tăng bình quân 12,6%/năm; Quy mô kinh tế gấp 1,7 lần so với năm 2015; Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 79.261 tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán).
Từ năm 2017, Hải Dương trở thành 1/16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi và có một phần điều tiết về Ngân sách Trung ương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2020 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 91,7% GRDP (đầu nhiệm kỳ chiếm 7,8%); mô hình tăng trưởng chuyển dịch dần từ chiều rộng sang theo chiều sâu, trên cơ sở phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế và dịch vụ thương mại.
Tuy nhiên, báo cáo của tỉnh cũng chỉ ra vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện các chỉ tiêu của nhiệm kỳ về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ và môi trường, quốc phòng, an ninh, thanh tra, tư pháp, đối ngoại. Đơn cử kinh tế tuy đạt tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa thực sự bền vững; thực hiện cơ cấu lại còn chậm. Khâu đột phá chiến lược về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nhân lực chưa có chuyển biến rõ nét…
Đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Hải Dương đạt được và ghi nhận những tồn đọng, ông Nguyễn Văn Bình cho biết tỉnh cần đánh giá sâu sắc hơn nữa những vấn đề này, gắn với giai đoạn 30 năm phát triển, để trên cơ sở đó có được các bài học và các định hướng trong thời gian tới. Ông cũng yêu cầu tỉnh Hải Dương rà soát các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo tính logic với các mục tiêu đã được đặt ra.
Ông Bình nhấn mạnh: Với các thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng giao thông, nguồn lực con người và quỹ đất, Hải Dương cần xác định là tỉnh công nghiệp với phát triển công nghiệp là hướng đi chủ đạo. Điều này sẽ kéo theo đô thị hóa và phát triển dịch vụ trong đó có du lịch, coi đây là các yếu tố đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong thời gian tới.
Tỉnh cũng cần đặc biệt quan tâm đặt mục tiêu đạt mức thu nhập bình quân đầu người cao để phát triển thực chất; phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm khai thác lợi thế gần Hà Nội và Hải Phòng; đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phát triển nông nghiệp và du lịch nhằm giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và cuộc sống của nhân dân.
Theo ông, để đạt được mục tiêu đó Hải Dương cần huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có tính liên vùng, kết nối hệ thống giao thông nhất là vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, đặc biệt phát triển vận tải thủy nội địa kết nối với đường cao tốc QL5 và cảng biển.
Tỉnh Hải Dương cần thu hút đầu tư có chọn lọc, theo hướng ưu tiên các ngành lợi thế, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; gia tăng hàm lượng khoa học - công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông cung lưu ý tỉnh cần tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng đồng bộ, hình thành chuỗi giá trị và mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh chuyên môn hóa, nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm; Có cơ chế chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng để thu hút các dự án đầu tư mới, khuyến khích mở rộng sản xuất các sản phẩm thuộc nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn và chủ lực; Thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn, giá trị gia tăng cao của khu vực và thế giới tới đầu tư, để hình thành khu công nghệ cao...