Vào ngày 15/7 tới, Ban kinh tế Trung ương phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong suốt 30 năm đổi mới, hoạt động tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Đây là một điểm sáng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng đối với chương trình xóa đói, giảm nghèo Quốc gia cũng như chăm lo, phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Cập nhật đến 30/6/2020, tổng nguồn vốn của NHCSXH đã đạt trên 231 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 10 tỷ USD; dư nợ tín dụng của NHCSXH đạt gần 200 nghìn tỷ.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, có thể nói, với một nước còn đang phát triển và ở mức thu nhập trung bình thấp, những con số nói trên đã thể hiện sự hết sức cố gắng, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước mà không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước có trình độ phát triển cũng như mức thu nhập cao hơn nhiều so với đất nước chúng ta. Đến nay, đã có trên 10 triệu lượt hộ được vay vốn từ NHCSXH; trong đó có hơn 2 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững.
Cũng theo trưởng ban KTTƯ, đến nay, trên 3,3 triệu hộ gia đình của Việt Nam thông qua tín dụng của NHCSXH đã được sử dụng nước sạch và nước đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Trong đó, 125 nghìn lượt hộ được vay vốn của NHCSXH để xây dựng nhà ở; tới 315 nghìn lượt HSSV được vay vốn NHCSXH để tiếp tục học tập vươn lên trong cuộc sống; hơn 1 triệu lượt người được vay vốn NHCSXH để tạo công ăn việc làm cũng như 21 nghìn lượt người được vay vốn đi xuất khẩu lao động…
Tất cả những con số đó đã nói lên hoạt động tín dụng chính sách là một giải pháp rất đặc biệt, sáng tạo và nhân văn sâu sắc; một giải pháp thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ chúng ta.
Trong suốt quá trình phát triển của hoạt động tín dụng chính sách thì nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động tín dụng chính sách. Với mục đích đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40 nhằm kêu gọi sự vào cuộc, ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị toàn xã hội trong việc huy động các nguồn lực phục vụ cho hoạt động tín dụng chính sách.
Đến nay, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, chúng ta cũng đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng. Tổng số nguồn vốn tăng thêm cho hoạt động tín dụng chính sách đạt 77 nghìn tỷ đồng; trong đó từ ngân sách Nhà nước đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, từ chính quyền địa phương các cấp đạt trên 11 nghìn tỷ đồng và từ hỗ trợ thông qua tiền gửi các ngân hàng khác, đặc biệt là các ngân hàng thương mại quốc doanh của Nhà nước đạt trên 41 nghìn tỷ đồng và từ các tổ chức, doanh nghiệp khác trong xã hội đạt trên 21 nghìn tỷ đồng. "Những con số đó cũng đã thể hiện sự vào cuộc hết sức quyết liệt của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện Nghị quyết số 40 của Ban Bí thư" - ông Bình nói.