Nhà ông Sử ở tít trên núi cao. Chiếc lán nhỏ nằm giữa bốn bề thông thốc gió lùa luôn rộn vang tiếng đe, tiếng búa. Bên bếp lò đỏ lửa suốt ngày của ông Sử luôn có một chàng trai người Mông giúp việc. Đó là chàng thanh niên có vóc dáng thon gọn nhưng chân, tay cơ bắp nổi cuồn cuộn, chẳng khác nào lực sĩ. Đôi bàn tay của chàng thanh niên này thoăn thoắt di chuyển theo những chỉ bảo của ông Sử.
Gia đình ông Sử đã gắn bó với nghề rèn dao từ nhiều năm nay.
Từng thanh sắt được ông Sử đưa vào lò. Đôi bàn tay ông nhanh nhẹn di chuyển búa rồi chỉnh, ngắm để "nhào nặn" thanh sắt thành những lưỡi dao cực kì sắc bén. Từng con dao từ nhỏ tới lớn, đều được ông Sử nắn nót, chỉnh sửa tỉ mỉ. “Mỗi ngày tôi rèn được cả mấy chục con dao. Bà con ở các nơi đến tận nhà mua hàng. Tôi làm ra không đủ bán”, ông Sử tự hào khoe.
Ông Sử vốn là con của một thợ rèn có tiếng ở chợ Tam Đường đất (TP Lai Châu bây giờ). Từ ngày chuyển lên bản Nậm Da, xã Bản Lang sinh sống, ông Sử lại kì công đắp lò, mua sắm máy móc, nổi lửa rèn dao, rèn cuốc.
Ông Sử cho biết, ông rất yêu nghề rèn, có cảm giác ngấm vào cả máu thịt của mình. Một ngày mà phải xa mễ lò là ông cảm thấy chân tay mình như thừa thãi, buồn bực. Chẳng thế, ông luôn làm việc hăng say từ sáng đến tối mà không mệt. Mỗi sản phẩm ra lò là ông gửi bao công sức vào đó.
Ông Sử tỉ mẩn trong từng công đoạn rèn dao.
Một năm ông Sử cho ra đời cả chục nghìn sản phẩm dao, cuốc, cày… Bà con người Mông sống quanh khu vực huyện Phong Thổ rất tin dùng sản phẩm của ông Sử. Anh Giàng A Sà, người dân ở bản Nậm Da chia sẻ, dùng dao của A Sử đi nương, đi rẫy rất tiện. Dao ông Sử làm rất đẹp và bền. Chặt cây, phát bụi rậm cứ ngọt sớt.
Những sản phẩm do ông Sử làm ra đều có chất lượng tốt và mẫu mã đẹp, lại bền chắc nên được đồng bào trong vùng rất ưa chuộng. Ảnh: X.T