Ông Hồ Anh Hùng (Thừa Thiên - Huế) sinh ngày 11/12/1968, công tác trong ngành nông lâm nghiệp và đóng BHXH liên tục từ tháng 4/1989 đến nay.
Ông đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số thắc mắc về tuổi nghỉ hưu, điều kiện nghỉ hưu trước tuổi và cách tính lương hưu.
Quá trình công tác theo sổ BHXH của ông Hùng như sau:
- Từ tháng 4/1989 đến tháng 6/1999: Công nhân trồng rừng lâm trường…, (công việc: Khai hoang, làm đất, trồng, chăm sóc cây rừng, làm việc ngoài trời, công việc thủ công, nặng nhọc, tư thế lao động gò bó, chịu tác động của bụi và các vi sinh vật gây bệnh);
- Từ tháng 7/1999 đến tháng 3/2002: Nhân viên bảo vệ rừng lâm trường… (công việc: Tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, lao động thủ công, nặng nhọc, khi chữa cháy rất nguy hiểm, tiếp xúc với nóng, CO2…);
- Từ tháng 4/2002 đến tháng 10/2004: Cán bộ kỹ thuật lâm trường;
- Từ tháng 11/2004 đến tháng 3/2010: Kỹ thuật viên ban quản lý dự án;
- Từ tháng 4/2010 đến tháng 2/2013: Nhân viên kỹ thuật Trung tâm quy hoạch thiết kế nông lâm nghiệp, (công việc: Điều tra quy hoạch rừng, làm việc ngoài trời, thường xuyên đi lại ở nơi địa hình phức tạp, nhiều đèo, dốc, tiếp xúc với côn trùng và vi sinh vật gây bệnh);
- Từ tháng 3/2013 đến nay: Chuyên viên ban quản lý dự án. Dự kiến kết thúc hợp đồng lao động vào năm 2021.
Ông Hùng hỏi, ông có được nghỉ hưu trước tuổi khi đủ điều kiện về thời gian theo quy định không? Ông được nghỉ hưu vào năm tháng nào? Nếu được nghỉ hưu trước tuổi thì nghỉ vào năm tháng nào? Cách tính lương hưu đến thời hạn được nghỉ hưu là như thế nào?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành thì người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
2. Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
3. Được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi;
b) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
c) Đối với người lao động hưởng lương hưu thuộc quy định tại Điểm 3 nêu trên, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì mức lương hưu hàng tháng giảm 2%.
Theo quy định tại Điểm 1 Điểm 2 Tiết a Điểm 3 nêu trên, theo thông tin hiện nay ông Hùng 52 tuổi (theo thông tin ông cung cấp, ông sinh ngày 11/12/1968) nên ông chưa đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu. Ông có thể bảo lưu thời gian đã đóng BHXH chờ đến khi đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu theo quy định.
Theo quy định tại Tiết b, c Điểm 3 nêu trên, nếu ông bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc từ 61% trở lên đồng thời có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành thì ông đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Tại Điều 169 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cách tính lương hưu theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc như sau:
Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% mức tối đa bằng 75%.
BHXH Việt Nam cung cấp một số quy định của chính sách BHXH hiện hành về chế độ hưu trí để ông căn cứ vào trường hợp cụ thể của mình biết được quyền lợi về chế độ hưu trí đối với ông. Trường hợp ông muốn biết cụ thể hơn, ông có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi đơn vị ông đóng BHXH để căn cứ vào hồ sơ tham gia BHXH của ông, cơ quan BHXH sẽ trả lời cụ thể đối với ông.
(Theo Chinhphu.vn)