Người lao động sẽ bị tạm dừng hưởng lương hưu hàng tháng nếu thuộc một trong ba trường hợp sau.
Đối tượng lao động nào sẽ bị tạm dừng nhận lương hưu?
Khoản 1 Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 quy định 3 trường hợp khiến người lao động đang nhận lương hưu hàng tháng bị tạm dừng hưởng, gồm:
Xuất cảnh trái phép: Theo khoản 1 Điều 33 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 , cá nhân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau
- Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên;
- Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;
- Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
Nếu không đáp ứng điều kiện trên, người tự ý xuất cảnh ra nước ngoài sẽ bị coi là xuất cảnh trái phép. Với hành vi này, người lao động không chỉ bị dừng chi trả lương hưu hàng tháng mà còn có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh tại Điều 347 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị tòa án tuyên bố là mất tích: Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015, một người sẽ Tòa án tuyên bố mất tích khi có đủ các điều kiện sau:
- Người đó đã biệt tích 2 năm liền trở lên, dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người này còn sống hay đã chết.
- Có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan.
Sau khi bị tuyên bố là mất tích, người lao động sẽ bị tạm dừng hưởng lương hưu hàng tháng.
Có căn cứ xác định việc hưởng lương hưu không đúng quy định: Căn cứ Điều 54, Điều 55 Luật BHXH năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, người lao động muốn hưởng lương hưu hằng tháng phải đáp ứng đủ 2 điều kiện:
- Đủ tuổi nghỉ hưu .
- Đủ thời gian đóng BHXH theo quy định:
+ Đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên: Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì chỉ cần đóng từ đủ 15 năm BHXH trở lên.
+ Đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên: Các trường hợp còn lại.
Khi có căn cứ cho rằng người việc giải quyết hưởng lương hưu cho người lao động là không đúng quy định, cơ quan BHXH sẽ ra thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người lao động biết.
Làm thế nào để tiếp tục hưởng lương hưu hằng tháng?
Việc bị tạm dừng hưởng lương hưu sẽ khiến người lao động không được nhận lương hưu trong một khoảng thời gian nhất định. Và để tiếp tục được hưởng lương hưu hàng tháng, người lao động chỉ cần thực hiện như sau:
Trường hợp 1: Tạm dừng lương hưu do xuất cảnh trái phép.
Căn cứ khoản 2 Điều 64 Luật BHXH năm 2014, người lao động chỉ cần trở về định cư hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về cư trú.
Trường hợp 2: Tạm dừng lương hưu do bị Tòa án tuyên bố mất tích.
Theo khoản 1 Điều 70 Bộ luật Dân sự 2015, người lao động được quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố mất tích. Sau khi quyết định này có hiệu lực pháp luật, người lao động sẽ được tiếp tục chi trả lương hưu (khoản 2 Điều 64 Luật BHXH năm 2014).
Đồng thời người này còn được truy lĩnh lương hưu của những tháng chưa nhận và không bao gồm tiền lãi (theo khoản 1 Điều 23 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ).
Trường hợp 3: Có căn cứ xác định việc hưởng lương hưu không đúng quy định.
Theo khoản 3 Điều 64 Luật BHXH năm 2014, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tạm dừng hưởng lương hưu của người lao động, cơ quan BHXH phải ra quyết định giải quyết hưởng; còn nếu chấm dứt hưởng thì phải nêu rõ lý do.
Người lao động được tiếp tục giải quyết hưởng lương hưu khi đó đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)