Tình huống thứ nhất là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, có nguy cơ xuất hiện trường hợp nhiễm mới trên địa bàn TP. Tình huống thứ 2, tiếp tục xuất hiện trường hợp nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP. Tình huống thứ 3 là dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
Trong tình huống đầu tiên, người dân thay đổi thói quen từ mua sắm hằng ngày sang mua sắm tập trung, đặc biệt những ngày cuối tuần; xuất hiện tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch…, gây khan hiếm cục bộ một số thời điểm. Cùng với đó, khả năng xuất hiện một số đối tượng tăng cường tích trữ, đầu cơ, găm hàng, tung tin đồn thất thiệt, nâng giá bán bất hợp lý để trục lợi.
Giải pháp đặt ra để giải quyết tình huống này là Sở Công Thương bám sát diễn biến thị trường, sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục. Bên cạnh đó, chủ động thông tin chính xác về diễn biến thị trường, nguồn cung hàng hóa của TP, không để phát tán tin đồn thất thiệt, giúp người dân yên tâm, không thu gom, tích trữ; phối hợp Cục QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; không để phát sinh tình trạng trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi; đồng thời phối hợp UBND 24 quận - huyện chỉ đạo đơn vị liên quan, ban quản lý các chợ tăng cường truyền thông, kiểm tra, kiểm soát; không để phát tán tin đồn thất thiệt.
Các doanh nghiệp bình ổn thị trường được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30% - 40% so với ngày thường; chuẩn bị nguyên vật liệu, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50% - 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn và tăng cường bán hàng thông qua kênh phân phối thương mại điện tử.
Sở Công Thương cũng giao hệ thống phân phối hiện đại chủ động tăng cường nhân sự, liên tục đưa hàng lên kệ, tăng thời gian phục vụ… đặc biệt vào các ngày cuối tuần; dự báo nhu cầu tiêu dùng, làm việc với nhà cung ứng, chủ động nguồn hàng; đẩy mạnh phát triển kênh phân phối thương mại điện tử. Ban quản lý các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn TP tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, vận động tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn, đặc biệt là các nhóm hàng thiết yếu, không để xảy ra hiện tượng nâng giá các mặt hàng này...
Lãnh đạo Sở Công Thương nhận định, TP.HCM đang ở tình huống thứ nhất.
Với tình huống 2, Sở Công Thương TP.HCM kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn phát huy tinh thần cộng đồng, đồng hành cùng Sở triển khai các giải pháp ổn định thị trường, cung ứng hàng hóa kịp thời, không gián đoạn; kịp thời phản ánh khó khăn, để xuất chính sách hỗ trợ của nhà nước để bảo đảm dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục.
Ngoài các giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1, sẽ huy động nguồn lực toàn xã hội, trình UBND TP quyết định phương án hỗ trợ về vốn, chính sách cho doanh nghiệp trên địa bàn. Kịch bản cho các doanh nghiệp bình ổn thị trường lúc này là chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50% - 100% so với ngày thường song song với việc dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ.
Với tình huống 3, dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng, cơ bản tiếp tục các giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1 và 2. Sở Công Thương TP.HCM sẽ căn cứ quy định pháp luật, tình hình diễn biến dịch bệnh, xem xét trình UBND TP quyết định các chính sách huy động và phân phối nguồn hàng theo cơ chế đặc thù, đối phó khẩn cấp với dịch bệnh.
Giai đoạn này, Sở Công Thương TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối và doanh nghiệp trên địa bàn, các đơn vị liên quan phát huy kênh phân phối thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, người dân có thể hoàn toàn yên tâm, không lo thiếu hàng, không nên tích trữ hàng hóa... bởi lượng hàng hóa rất dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng đến hết quý II/2020 cũng như trong 6 tháng cuối năm.