Bị gọi là gàn dở vì bỏ việc lương hơn 1.000 USD vào năm 2010 nhưng anh Nam chứng minh quyết định là đúng khi khởi nghiệp với giống gà đắt đỏ, có con bằng xe SH.
Video: Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của gà tre Tân Châu tại trang trại của anh Nguyễn Quang Nam
Ghé trang trại gà của anh Nguyễn Quang Nam (SN 1984), tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội những ngày cuối năm, đâu đâu cũng nghe tiếng gáy râm ran cả một xóm nhỏ. Phải cất giọng nói thật to mới có thể gọi được anh Nam đang cặm cụi sau những tấm bạt phủ kín thái rau, cho gà tắm nắng trở về.
Bỏ việc lương hơn 1.000 USD về quê chăn gà
Năm 2010, anh Nguyễn Quang Nam làm Trưởng phòng kỹ thuật của một công ty công nghệ thông tin với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng (tương đương hơn 1.000 USD/tháng năm 2010) và được công ty cử sang Úc để tham gia khóa học CEO. Giữa lúc con đường sự nghiệp thênh thang, chàng trai trẻ lại lặng lẽ viết đơn xin nghỉ việc để về quê nuôi gà cảnh.
Anh Nam cho biết từ nhỏ đã yêu thích và say mê chơi gà cảnh. Anh tham gia vào các câu lạc bộ gà cảnh của địa phương để học hỏi kinh nghiệm của các thành viên trong hội. Trước khi quyết định nghỉ việc, anh Nam đã có kinh nghiệm 1 năm nuôi gà cảnh.
Vốn được mệnh danh là người “mát tay” trong việc chăm sóc và huấn luyện gà, những chú gà cảnh của anh Nam đều được định giá khá cao. Nhận thấy tiềm năng của thị trường gà cảnh, anh Nam quyết định xin nghỉ việc để mở trang trại chăn gà.
Khi chia sẻ ý tưởng này với gia đình, anh bị mọi người phản đối kịch liệt. “Bố tôi giận không thèm nhìn mặt, vợ thì nước mắt ngắn nước mắt dài thương chồng. Mọi người bảo việc nhẹ lương cao, ngồi văn phòng điều hòa mát lạnh thì không muốn, lại đi chăn gà dãi nắng dầm mưa chưa biết tương lai may rủi thế nào", anh Nam nhớ lại.
Thời gian ấy, lúc nào gia đình anh Nam cũng trong không khí căng thẳng. Nhiều lúc đến bữa cơm, anh phải tạm tránh mặt bố mẹ. Tình trạng đó kéo dài đến 3 tháng mới chấm dứt. Để tránh xung khắc với bố mẹ, vợ chồng anh Nam quyết định ra ở riêng.
Nhiều đêm vắt tay lên trán anh Nam không sao ngủ nổi. "Mặc dù công việc văn phòng lương cao nhưng lại khiến tôi cảm thấy gò bó. Chuyển sang theo đuổi đam mê nuôi gà nhưng lại không được mọi người ủng hộ tôi cũng cảm thấy buồn, nhưng như vậy tôi lại càng quyết tâm nhất định phải thành công", anh Nam chia sẻ.
Khi đó, ai cũng nghĩ Nam rồi sẽ sớm bỏ cuộc bởi trước giờ anh chỉ quen làm việc nhẹ, trong khi công việc chăm sóc gà cảnh rất vất vả. Bỏ ngoài tai những lời dị nghị, chàng trai 26 tuổi vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ mà nhiều người cho rằng là gàn dở.
Qua nghiên cứu tìm hiểu, anh nhận thấy giống gà Tân Châu nổi bật với bộ lông sặc sỡ, bộ đuôi dài thướt tha, được giới sinh vật cảnh đánh giá rất cao mà cách chăm bẵm lại không quá khó.
Khi ấy ở miền Bắc, rất ít người nông trại nuôi loại gà này. Vì vậy, anh quyết tâm phát triển kinh tế từ việc nuôi gà cảnh, hướng tới việc giới thiệu loại gà bản địa của Việt Nam ra nước ngoài.
Gà chết ròng rã suốt 2 năm
Do không nhận được sự ủng hộ của gia đình, anh Nam phải tự chủ động xoay vốn. Với số tiền 100 triệu sau nhiều năm tích cóp, anh dùng 80 triệu để mua gà giống, số tiền còn lại anh để xây chuồng trại cho gà. Tiền mua thức ăn thiếu anh lại hỏi vay mượn từ bạn bè.
Năm 2010, anh Nam vào tận Cần Thơ, Long Xuyên, An Giang, nơi được coi là “đại bản doanh” của gà Tân Châu để chọn mua những con gà giống đẹp nhất. "Thời điểm đó tôi mua được 10 con gà giống. Về nhà ngày ngày tôi say mê, cho gà ăn rồi tắm nắng cho gà sớm tối. Nhiều lúc vợ tôi còn nói đùa chăm gà như chăm con thơ", anh Nam hóm hỉnh chia sẻ.
Từ một người chỉ biết ngồi bàn giấy gõ máy tính, thiết kế phần mềm... nay anh Nam dần tỉ mẩn hơn với những công việc trong trang trại như thái rau cho gà, nghiền cám, cho gà tắm nắng... như một "lão nông tri điền" thực thụ.
Hai năm đầu, khi đưa gà tre Tân Châu về nuôi, anh Nam gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất chủ yếu về thời tiết. Miền Nam thì ấm áp, quanh năm chỉ có một mùa. Trong khi đó, miền Bắc mỗi năm có 4 mùa nên con gà mới mua về sức đề kháng rất kém. 40% số gà của anh bị chết.
Nhìn những con gà giá trị cao lần lượt chết, cả ngày anh ngơ ngẩn đến bần thần vì tiếc. Vợ anh sốt ruột khuyên: "Thôi coi như đây là bài học kinh nghiệm, sau lần này anh đừng nuôi gà nữa nhé". Nhưng anh Nam quyết không từ bỏ ý định.
Khó khăn không nản, anh lên mạng tham gia các hội nhóm chăn nuôi gà cảnh để tìm hiểu thông tin. Nhận ra nguyên nhân lớn nhất khiến gà chết là yếu tố thời tiết, anh khắc phục bằng cách vệ sinh sạch sẽ, che chắn chuồng trại thật kín vào mùa đông. Mỗi ngày anh cho gà ra ngoài một chút để thích nghi với khí hậu miền Bắc. "Dần dần con gà cũng làm quen được với khí hậu, chúng khoẻ mạnh và ít bệnh tật hơn", anh Nam chia sẻ.
Một ngày làm việc của anh Nam thường bắt đầu lúc 6h và kết thúc lúc 20h với những công việc quen thuộc như vệ sinh chuồng trại, cho gà ăn và tắm... Những đêm đông lạnh, khi nhà nhà đã chìm trong giấc ngủ thì ông chủ trại gà vẫn hì hục che chắn sưởi ấm cho đàn gà.
Theo anh Nam, muốn gà khỏe mạnh, phát triển tốt, phải đảm bảo tiêm phòng đủ vaccine. Để gà có bộ lông đẹp, phải thường xuyên bổ sung thêm các vitamin có trong rau xanh như cà chua, giá đỗ, rau muống, bắp cải, các loại hạt... cho gà. Những hôm trời ấm, gà sẽ được tắm nắng hoặc tắm cát từ 15 - 30 phút để có bộ lông óng mượt.
Với lợi thế là một kỹ sư công nghệ thông tin, anh Nam vận dụng các kiến thức được học trong trường lớp và xây dựng website, facebook... để khách hàng cả nước biết đến giống gà tre Tân Châu.
Ngoài ra, anh còn đứng ra thành lập các hội nhóm, quy tụ các anh em chơi gà Tân Châu lâu năm, tổ chức cuộc thi gà cảnh tại các tỉnh để quảng bá hình ảnh con gà đến với nhiều người hơn. Tiếng lành đồn xa, dần dần trang trại của anh được nhiều người biết đến và liên hệ đặt mua.
Theo anh Nam, sở dĩ gà Tân Châu được nhiều tay chơi truy lùng làm gà cảnh bởi chúng có sức đề kháng tốt, lại có bộ lông sặc sỡ và đuôi phụng vĩ dài tha thướt. '"Một con gà Tân Châu giá trị cao phải đạt được nhiều yếu tố: Thứ nhất là có bộ lông dài, óng mượt; thứ 2 là phải thân thiện với con người; thứ 3 là gà phải đạt được thành tích trong các cuộc thi; thứ tư là nó phải có gen thuần, sản sinh ra những thế hệ sau đẹp."
Với những con gà có giá trị cao, anh thường nuôi tách đàn, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Đồng thời, tập cho gà những thói quen để gà thân thiện với con người, làm sao khi gà lên bục có thể show dáng tốt nhất.
Đặc biệt, năm 2014, một con gà cảnh Tân Châu của anh được khách hỏi mua với giá 50 triệu đồng nhờ bộ lông dài gần 1 mét. Tuy nhiên, anh Nam cho rằng rất hiếm để tìm được những con gà có vóc dáng hoàn hảo như vậy. “Đôi khi phải vài trăm con mới có vài con đạt chuẩn. Thậm chí, trong vài năm mới xuất hiện một lần”, anh Nam chia sẻ.
Đa số những con gà Tân Châu trong trang trại đều được đích thân anh Nam tuyển chọn và nhân giống nên chúng đều có hình dáng bắt mắt và màu lông độc, lạ như: gà lông nhạn trích, gà màu lông điều hay một số loại gà lông vàng, xám thuộc hạng hiếm trên thị trường.
Ông chủ trại gà cảnh lớn nhất miền Bắc
Bằng đam mê và nỗ lực không ngừng, giờ đây anh Nam đã tự xây dựng một “vương quốc gà” khang trang với 2 cơ sở ở Mê Linh (Hà Nội) và Vĩnh Phúc với tổng diện tích gần 1.500m2. Số lượng gà Tân Châu bố mẹ và gà nhập khẩu ở Vĩnh Phúc vào khoảng 1.000 con, Mê Linh khoảng 3.000 - 4.000 con gà con.
Ghé thăm trang trại ai nấy đều phải trầm trồ thán phục bởi quy mô khủng và hệ thống cho gà ăn tự động, hệ thống nền chuồng được xử lý bằng men vi sinh sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.
Mỗi tháng trang trại anh xuất bán hàng trăm con gà. Mỗi con gà con có giá 200 - 500 nghìn đồng, gà trưởng thành dao động từ 1-5 triệu đồng/con, có những con giá vài chục triệu. Ngoài nguồn thu từ gà giống và gà bố mẹ, anh còn bán trứng gà tre cho một số nước với giá 5 USD/quả.
Chỉ vào khu nuôi gà Tân Châu, anh Nam giới thiệu: “Toàn bộ số gà này đã được khách đặt hết từ lâu với giá 400 nghìn/con. Càng gần Tết lượng người mua càng tăng. Nhiều khách hàng phải đặt trước 2- 3 tháng mới có."
Thời gian gần đây để đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh Nam nhập thêm một số giống gà ngoại khác như gà phượng hoàng, gà kỳ lân khổng lồ, tre Thái Lan, gà phoenix - onagadori, gà vảy cá, gà serama... về nuôi và nhân giống.
"Mục tiêu chính của mình không phải đánh vào tầng lớp khách hàng cao, chủ yếu mình muốn quảng bá thương hiệu con gà tre của Việt Nam đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Làm sao để ai cũng có thể chơi được gà, chứ không phải những tầng lớp cao mới có thể chơi được." anh Nam cho biết.
Không chỉ cung cấp gà cảnh cho thị trường khắp miền Bắc, anh Nam còn xuất bán con gà tre Tân Châu sang Lào, Campuchia, Trung Quốc... Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng trang trại gà của Nam thu về 80 - 100 triệu đồng/tháng.
(Theo VTC News)