Từ năm 2016 đến nay, đường được nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan trúng thầu qua Công ty Đường Biên Hòa, được cơ quan hải quan Bình Dương áp thuế suất ưu đãi dành cho hàng hóa nhập khẩu tại chỗ chỉ là 5%.
Công ty TNHH Puratos Grand-Place Việt Nam bị yêu cầu truy thu gần 30 tỷ đồng tiền thuế do quy định mới.
“Đột ngột” áp thuế suất lên tới 40%
Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan vừa có công văn số 2668a/2017 với mức thuế suất lên tới 40% và truy thu thuế lượng đường các doanh nghiệp đã nhập về. Số thuế truy thu như vừa thông báo có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng. Đại diện Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, sở dĩ cơ quan này phải ban hành công văn nói trên là để chấn chỉnh cơ quan hải quan các địa phương: thời gian qua đã hướng dẫn chưa đồng bộ, thiếu chính xác.
Việc thiếu nhất quán của ngành hải quan đã khiến các doanh nghiệp không kịp “trở tay”, vì sản phẩm đã được bán ra trên cơ sở giá đường có thuế suất 5%. Đại diện Vinamilk cho biết, từ năm 2011 đã thực hiện việc xuất nhập khẩu tại chỗ, mở tờ khai và được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Đến tháng 2/2017, Tổng cục Hải quan có công văn nêu rõ điều kiện để hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN vẫn được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
Nhưng đến tháng 11/2017, cơ quan hải quan lại thông báo truy thu thuế xuất nhập khẩu đường của Vinamilk. Theo giải thích của cơ quan thuế, chỉ có doanh nghiệp trong khu chế xuất mới được hưởng ưu đãi.
Với mức thuế suất lên tới 40% và truy thu thuế đường. Các doanh nghiệp đã nhập đường có thể bị truy thu số tiền lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Sau Vinamilk, đến lượt các Công ty TNHH Puratos Grand-Place Việt Nam, công ty TNHH AJE Việt Nam và công ty TNHH Tân Hiệp Phát cũng vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương về chính sách thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ có C/O form D. Mặc dù đã thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, 3 doanh nghiệp này vẫn bị yêu cầu truy thu gần 30 tỷ đồng tiền thuế do quy định mới thiếu nhất quán.
Hải quan thiếu nhất quán?
Quay lại câu chuyện của Vinamilk, công ty này đã kê khai nộp thuế, phí đầy đủ cho 23% giá trị tiền hàng từ 1/9/2016 tới nay. Dẫn các quy định của Bộ Tài chính, đại diện Vinamilk khẳng định, điều kiện để đường tinh luyện hưởng mức thuế nhập khẩu 5% không thay đổi từ năm 2012 tới nay nhưng cơ quan quản lý lại đưa ra các hướng dẫn thiếu nhất quán.
Tại cuộc làm việc mới đây giữa Chi cục Hải quan KCN Việt Nam – Singapore và một số công ty gồm Công ty TNHH URC Việt Nam, Công ty TNHH PURATOS GRAND - PLACE Việt Nam, Công ty TNHH AJE Việt Nam, Công ty TNHH APPAREL FAR EASTERN (Việt Nam), các doanh nghiệp cũng không đồng ý với việc truy thu theo công văn số 2668a/2017. Các doanh nghiệp cho rằng, hướng dẫn của Hải quan thiếu nhất quán gây thiệt hại và làm giảm sút lòng tin của doanh nghiệp đối với chính sách điều hành của Chính phủ.
Lý giải bức xúc của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cho biết, mục đích của việc áp thuế trên để không phân đối với tất cả các loại hình XNK tại chỗ để khuyến khích sản xuất trong nước. Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức như Bộ Công Thương, VCCI... đánh giá tổng thể tác động của quy định này đến sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu đường.