Bệnh nhân nằm ghép, dự án vẫn "rùa bò"
Sáng 24/5, làm việc với 3 bộ là Y tế, GD&ĐT và VHTT&DL về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và kế hoạch năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, đây là 3 bộ có tiến độ giải ngân rất chậm, “chậm nhất toàn quốc”.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí cho 3 bộ này 44.000 tỷ đồng, trong đó Bộ Y tế được giao 32.000 tỷ, Bộ GD&ĐT là 8.000 tỷ đồng, Bộ VHTT&DL là 3.500 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 4/2018, tỷ lệ giải ngân của Bộ Y tế là 1,36%, Bộ VHTT&DL là 6,28%, Bộ GD&ĐT giải ngân được 17%. Còn vốn nước ngoài thì cả 3 Bộ chưa giải ngân được đồng nào.
Đối với Đề án 125 của Bộ Y tế gồm việc triển khai các dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã dừng thi công 18 tháng nay. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ sự không hài lòng, khi Nhà nước tập trung toàn lực vốn vào đây, không thiếu tiền, chưa có thì tạm ứng, nhưng Dự án 125 giải ngân rất thấp.
“Đây là một trong những điển hình yếu kém trong đầu tư xây dựng, mặc dù rất bức thiết, bệnh viện thì quá tải, người bệnh thì khổ sở, nhà nước tập trung toàn lực vào đây, không thiếu tiền, nhưng dự án này giải ngân rất chậm, không có công nhân làm việc”.
Trước tình trạng “chỗ có vốn thì không giải ngân được, chỗ cần tiền thì không có để tiêu”, Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan đơn vị về tình trạng này. Thậm chí Phó Thủ tướng còn yêu cầu thẳng đối với Bộ Y tế là có làm dự án nữa không? Có khả năng làm không?
“Nếu không làm được thì thuê kiểm toán xác định giá trị rồi báo cáo Chính phủ để Chính phủ giao người khác làm. Trong khi dự án tư nhân cả tỷ USD mà họ làm trong vòng 1 năm là xong” ,Phó Thủ tướng gay gắt.
Không giải ngân được thì sẽ cắt vốn
Trước tình trạng chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ này là dự án chậm giải ngân thì cắt vốn chứ không thực hiện kéo dài dự án nữa như quy định của Luật Đầu tư công.
“Kéo dài không chỉ dẫn đến tăng chuyển nguồn mà còn dẫn đến thay đổi khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ, nghĩa là kỷ luật điều hành ngân sách có vấn đề”, ông Hải nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết nếu tới 31/10/2018 mà Bộ Y tế chưa phê duyệt xong chủ trương đầu tư cho 3 dự án trên thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị Thủ tướng cắt vốn kế hoạch để thực hiện 3 dự án này để điều chuyển sang các dự án khác.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, sau cuộc họp phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, không họp xong để đó. Phó Thủ tướng không cũng hài lòng về việc trong báo cáo của các Bộ chỉ toàn kiến nghị, thậm chí là kiến nghị thêm vốn trong khi vốn đang nhiều không giải ngân được.
“Lúc đầu đấu tranh để kéo được bằng được vốn về Bộ mình, nhưng kéo được rồi thì dự án bỏ đó hết năm này qua năm khác, dầm mưa dãi nắng. Ban Cán sự Đảng phải vào cuộc, lãnh đạo Bộ phải vào cuộc giải quyết. Chúng tôi rất sót ruột! Nếu các Bộ không có chuyển biến thì Thủ tướng, Chính phủ sẽ có giải pháp mạnh, không để tình trạng này tiếp tục.” - Phó Thủ tướng kiên quyết.