Việc quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hiện nay đang kết dư hơn 89.100 tỷ đồng, mà chưa phát huy được đầy đủ hiệu lực, tác động đối với người lao động quả là một điều rất đáng tiếc. Bởi trong thời điểm hiện tại, quỹ đó cần phải là cầu nối, giúp cho người lao động cũng như người sử dụng lao động thêm nguồn viện trợ, vượt qua tình trạng khó khăn khẩn cấp.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cơ quan bảo hiểm nên sớm áp dụng công nghệ vào công tác quản lý, vận hành giải quyết thủ tục bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (ảnh: Inetrnet)
Từ vấn đề này, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải nhìn nhận một số vấn đề sâu rộng hơn như:
Thứ nhất, khung khổ pháp luật đã thực sự thông thoáng, đơn giản chưa hay còn rườm rà về thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người nhận trợ cấp.
Thứ hai, cần làm rõ việc người lao động có được cơ quan, doanh nghiệp thông báo, phổ biến đầy đủ về quyền lợi được hưởng, liên quan đến chính sách bảo hiểm mà mình đã đóng.
Thứ ba, chính quyền địa phương cũng cần rà soát những người lao động trên địa bàn mình quản lý, tỷ lệ nghỉ việc, thất nghiệp ra sao, đồng thời thông báo để người lao động đủ điều kiện làm thủ tục BHTN.
Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, các công tác hỗ trợ phải triển khai nhanh chóng, sát sao và toàn diện, phát huy được đầy đủ tác động của chính sách đến người dân mới là điều thiết thực.
Mặt khác, tôi đề nghị các cơ quan báo chí, nên có những hoạt động tuyên truyền thực tế về các tấm gương điển hình, tích cực, những người đã được giải ngân, nhận tiền hỗ trợ BHTN sau khi mất việc làm. Điều đó, giúp các cơ quan doanh nghiệp rút kinh nghiệm trong việc phổ biến thông tin cho người lao động, đồng thời nêu bật được các điểm yếu, điểm mạnh về thủ tục hành chính.
Với nhiều năm làm chính sách, chúng tôi nhận thấy một vấn đề đó là, tâm lý người Việt Nam thường không chịu nghiên cứu văn bản, chính sách pháp luật, mà chỉ học theo các điển hình thực tế, bằng hình thức truyền miệng. Nếu cứ sử dụng hình thức tuyên truyền theo “lối mòn” văn bản hướng dẫn của Bộ, ban ngành thì rất ít người đọc, hiểu. Vì vậy, phải có đổi mới sáng tạo trong hoạt động truyền thông, làm sao để dễ hiểu và dễ áp dụng.
Vừa qua, mặc dù Bảo Hiểm Xã Hội (BHXH) Việt Nam đã thành lập Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng. Đây là bước đi quan trọng góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại về tiếp nhận, xử lý thông tin, tư vấn, giải đáp, hỗ trợ các yêu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT; tuy nhiên, nên có tổng kết, đánh giá về tính hiệu quả của các họat động tới đâu, để từ đó có biện pháp phát huy điểm mạnh và tháo gỡ các điểm còn yếu kém.
Ngoài ra, bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cơ quan bảo hiểm nên sớm áp dụng công nghệ vào công tác quản lý, vận hành, xu hướng hiện nay là Chính phủ điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử,... Cần có những định hướng dài hạn về nền tảng công nghệ để không bị lạc hậu, chủ động, ổn định về nguồn nhân lực trong tư vấn, giải đáp, có những công cụ về đo lường, kiểm tra, giám sát công tác chăm sóc khách hàng. Đã đến lúc phát huy vai trò, thế mạnh của nền kinh tế số, mà nhiều quốc gia trên thế giới đã rất thành công, nhưng ở Việt Nam vẫn còn hạn chế cần khắc phục sớm.