Thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung và cầu bị thu hẹp
Đánh giá chung về phát triển thị trường lao động giai đoạn 2016-2021, TS. Bùi Sỹ Lợi cho hay, chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Năm 2020, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,61 triệu người, bao gồm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 33,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 30,80%; khu vực dịch vụ chiếm 36,10%.
Trong khi cơ cấu nền kinh tế năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,72%; khu vực dịch vụ chiếm 41,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,8%.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung cầu lao động cục bộ giữa các vùng, các khu vực, ngành nghề kinh tế.
Hiện nay, lực lượng lao động vẫn tập trung đông nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (chiếm trên 22%), tiếp đến là khu vực Bắc trung bộ, Duyên hải miền Trung (trên 21%) và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là các khu vực có diện tích đất rộng, tập trung nhiều thành phố lớn, khu đô thị và nhiều khu công nghiệp, thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh nên thu hút đông đảo lao động tập trung ở những khu vực này. Những khu vực chiếm tỷ lệ thấp, là những khu vực có diện tích đất hẹp, nhiều đồi núi, ít khu đô thị và khu công nghiệp nên không thu hút nhiều lao động đến đây.
Cơ cấu lực lượng lao động phân theo hai khu vực thành thị và nông thôn cũng có sự chênh lệch lớn. Nhìn chung, lực lượng lao động ở nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng gần 70%. Con số này có xu hướng giảm qua các năm nhưng vẫn ở mức cao.
Liên quan đến quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Lao động qua đào tạo không đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020.
Chính sách phát triển thị trường lao động thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các chính sách tăng trưởng kinh tế và việc làm, thị trường lao động, chưa kịp thời có giải pháp ứng phó với những thay đổi trên thị trường lao động (khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, thiếu hụt lao động...).
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo, chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đáng chú ý, đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm lực lượng lao động (do nhiều người lao động thoái lui khỏi thị trường lao động) và đồng thời hàng triệu người lao động bị mất việc làm. Vì vậy, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động (việc làm) bị thu hẹp, đặc biệt là nguy cơ đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung lao động ở các tỉnh/thành phố lớn, các khu công nghiệp- khu chế xuất để phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: "Lao động mang tâm lý nặng nề, lo sợ dịch bệnh, rút khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh, rời bỏ nơi cư trú làm phá vỡ/đứt gãy các liên hệ và thiếu thông tin trên thị trường lao động. Di chuyển lao động gặp khó khăn do việc thực hiện kiểm soát dịch, các quy định về phòng chống dịch của các địa phương cũng như tâm lý e ngại của người lao động về dịch bệnh".
Thêm vào đó, quy mô khu vực có quan hệ lao động bị thu hẹp dẫn đến việc chuyển dịch lao động từ khu vực chính thức sang phi chính thức, chất lượng việc làm suy giảm. Lực lượng lao động thanh niên, lao động trình độ thấp, lao động giản đơn là những đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tìm kiếm công việc phù hợp khi chưa thể di chuyển tự do giữa các vùng.
Bài học lớn nhất qua đại dịch COVID -19
TS. Bùi Sỹ Lợi nói thêm, mục tiêu cấp bách lúc này là phải khẩn trương phục hồi thị trường lao động, đảm bảo khôi phục nhanh nguồn cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, hỗ trợ người lao động có việc làm an toàn, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển nhanh, bền vững và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, giải pháp trước hết cần tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất đối với doanh nghiệp, để phục hồi việc làm cho người lao động (chính sách hỗ trợ tài khóa, tín dụng..).
Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động trong một bộ phận cấu thành của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt quan tâm đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.
Điều tiết, hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động. Cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương. Song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất.
Bài học qua đại dịch COVID -19 cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội. Do đó, phải tiếp tục các giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và tạo cơ hội công bằng cho toàn dân.
Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ nhà ở và đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp, nhằm ổn định đời sống, yên tâm cho người lao động, từ đó thu hút lao động đến làm việc.
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, kinh nghiệm các quốc gia có thị trường lao động ổn định và phát triển cho thấy cần phải chú trọng vấn đề đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, đào lại cho người lao động; sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp như một công cụ "giá đỡ" hỗ trợ phát triển thị trường lao động. TS. Bùi Sỹ Lợi kết luận: "Chúng ta phải thật sự có các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đầu tư cho lĩnh vực này",