Ngày 16/7 vừa qua, Tổng cục Thống kê (TCTK) đưa ra thông cáo báo chí đánh giá lại tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong đó có phụ lục kèm theo của chuyên gia IMF với những nhận xét chung chung vô nghĩa ví dụ như "việc rà soát, cập nhật số liệu thống kê về GDP là một việc làm bình thường…".
Thực ra việc rà soát lại quy mô GDP cũng là việc làm bình thường của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Một trong những mục đích của việc lập bảng cân đối liên ngành (input – output table) hoặc bảng nguồn và sử dụng (supply and use tables) đối với ngành thống kê là nhằm rà soát lại GDP.
GDP của Việt Nam mà TCTK công bố hàng năm về cơ bản được tính bằng phương pháp sản xuất và phân bổ cho sử dụng cuối cùng. Đây là lý do tốc độ tăng trưởng GDP bằng phương pháp sản xuất và chi tiêu cuối cùng có những năm khác nhau rất xa GDP tính theo phương pháp thu nhập hàng năm không được tính toán và công bố, GDP theo phương pháp này chỉ được biết đến khi có bảng cân đối liên ngành hoặc bảng nguồn và sử dụng.
Trong thông cáo báo chí mà TCTK đưa ra có đề cập đến 3 phương pháp biên soạn GDP, điều này có nghĩa TCTK đã cập nhật bảng nguồn và sử dụng.
Phương pháp cập nhật của TCTK sử dụng là sử dụng phương pháp toán học kết hợp điều tra bổ sung, phương pháp mà TCTK Việt Nam sử dụng có tên gọi "Phương pháp RAS với điểm cố định ngẫu nhiên". Nội hàm của phương pháp này là sau khi rà soát về phía cung (số doanh nghiệp bị bỏ sót) xác định những điểm thay đổi và những điểm không đổi, từ đó sử dụng phương pháp toán học để cân đối lại tổng thể nền kinh tế từ phía cung và phía cầu.
Phương pháp này đã được đề cập trong cuốn sách xuất bản ở Hoa Kỳ " Tổng thể lỗi điều tra trong thực tiễn – Total survey error in practice" và được cơ quan Thống kê của các nước phát triển đặc biệt Thụy Điển áp dụng để cân đối GDP theo phương pháp chi tiêu cuối cùng và phương pháp sản xuất và thu nhập.
Trong thông cáo báo chí ,TCTK viết tính GDP bằng 3 phương pháp (phương pháp sản xuất, phương pháp chi tiêu cuối cùng và phương pháp thu nhập). Điều này có thể được hiểu TCTK đã cập nhật bảng nguồn và sử dụng. Khi điều này được làm bài bản thì việc GDP tăng lên 25,4% hoặc hơn nữa cũng là điều nên làm! Tuy nhiên có một số thắc mắc được đặt ra với TCTK:
TCTK cần giải thích khi nào TCTK phát hiện ra GDP bị tính thiếu mà điều chỉnh từ năm 2010 mà không phải là 2009 hoặc 2011? Năm 2013 TCTK đã làm tăng GDP hơn 10% vào ngành ngân hàng và nhà ở tự có tự ở (đã gây nhiều nghi hoặc), tại sao nay lại điều chỉnh từ năm 2010, hay TCTK mới phát hiện ra điều tra doanh nghiệp cũng do TCTK tiến hành thiếu từ năm 2010?
Năm 2013, TCTK điều chỉnh tăng GDP ở ngành ngân hàng trong khi chưa phân bổ FISIM - giá trị dịch vụ trung gian tài chính đo lường gián tiếp. Như vậy, nhẽ ra phải trừ một lượng FISIM nhưng không trừ ra mà lại cộng thêm vào. Giá trị sản xuất của ngành ngân hàng cơ bản bao gồm phí dịch vụ thẳng và phí dịch vụ ngầm.
Ở đây:
Phí dịch vụ thẳng là doanh thu các dịch vụ trực tiếp trong kinh doanh tiền tệ gồm các khoản phí và hoa hồng từ các dịch vụ tài chính tính giá trực tiếp đối với khách hàng như: Phí thanh toán mở tài khoản, phí chuyển tiền, phí mua bán, thu đổi ngoại tệ, phí thanh toán tiền, phí hoa hồng uỷ nhiệm, thu từ nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng, thu từ dịch vụ ngân quỹ, thu từ kinh doanh ngoại hối...
Phí dịch vụ ngầm: Hoạt động chiếm tỉ trọng lớn trong giá trị sản xuất của khu vực ngân hàng đó là cung cấp dịch vụ cho người đi vay và người cho vay. Khi cung cấp dịch vụ này, ngân hàng không trực tiếp thu phí mà được thu ngầm qua việc trả lãi suất thấp đối với đơn vị thể chế cho ngân hàng vay tiền và đòi lãi suất cao đối với đơn vị thể chế vay tiền của ngân hàng.
Vì vậy phí dịch vụ này được gọi là phí dịch vụ ngầm từ thuật ngữ tiếng Anh "Financial intermediation services indirectly mesured" và viết tắt là FISIM. Từ "ngầm" không có nghĩa là bất hợp pháp.
SNA 2008 khuyến nghị rằng FISIM chỉ áp dụng đối với các khoản vay và các khoản tiền gửi và chỉ khi những khoản vay hoặc tiền gửi được cung cấp bởi các đơn vị thể chế tài chính. Và giá trị sản lượng của FISIM được tính như sau:
FISIM = (rL - rr) yL + (rr - rD) yD
Trong đó: rL là tỉ lệ lãi suất cho vay
rL: Tỷ lệ lãi suất vay
rD: Tỉ lệ lãi suất tiền gửi
rr: tỉ lệ lãi suất tham chiếu
yL: số dư cho vay
yD: số dư tiền gửi
Trong Hệ thống các tài khoản Quốc gia lãi suất tham chiếu là một tỷ lệ nằm giữa tỉ lệ lãi suất ngân hàng tính cho tiền gửi và tiền vay.
Tuy nhiên, do không nhất thiết là tiền cho vay phải bằng tiền gửi nên không thể tính đơn giản bằng bình quân của lãi suất tiền cho vay hoặc tiền gửi. Tỷ lệ lãi suất tham chiếu không được bao gồm yếu tố dịch vụ và phản ánh được rủi ro và cấu trúc kỳ hạn thanh toán của các khoản tiền gửi và tiền vay.
Sẽ là phù hợp nếu dùng lãi suất hiện hành đối với hoạt động đi vay và cho vay trong nội bộ liên ngân hàng làm lãi suất tham chiếu. Tuy nhiên, cần áp dụng các loại lãi suất tham chiếu khác nhau đối với từng loại tiền của các khoản vay và tiền gửi, đặc biệt khi có sự tham gia của các đơn vị thể chế tài chính không thường trú. Tính lãi suất tham chiếu bằng cách tính lãi suất tiền gửi gia quyền, lãi suất cho vay gia quyền của các loại kỳ hạn và phải chia theo từng loại tiền tệ.
Hiện nay, do không có đầy đủ thông tin Việt Nam tính giá trị sản xuất ngành ngân hàng dựa trên lãi suất tham chiếu của SNA, 1993:
Lãi suất tham chiếu = Thu nhập sở hữu phải thu - Tiền lãi phải trả
Thu nhập sở hữu phải thu gồm các khoản sau:
- Thu lãi cho vay, Thu lãi tiền gửi, Thu lãi từ đầu tư chứng khoán, Thu lãi góp vốn, mua cổ phần, Thu lãi cho thuê tài chính.
Tiền lãi phải trả gồm:
- Trả lãi tiền gửi, trả lãi tiền vay, Trả lãi phát hành giấy tờ có giá, Trả lãi tiền thuê tài chính.
Như vậy, năm 2013 tính thêm cho GDP đối với ngành ngân hàng khoảng 5-6% thì tính vào đâu? Nếu tính vào chi phí dịch vụ ngầm thì GDP đâu có tăng được vì đây là khoản các ngành (doanh nghiệp) phải chi trả lãi ngân hàng. Nếu tính vào quản lý Nhà nước ngành ngân hàng thì lương cán bộ ngân hàng xấp xỉ với số bội chi ngân sách?
Trong khu vực kinh tế chưa được quan sát (NOE) có 5 thành tố (1) hoạt động sản xuất ngầm, (2) Hoạt động sản xuất bất hợp pháp, (3) khu vực sản xuất không định hình, (4) Hoạt động của hộ gia đình mang tính chất tự sản xuất tự tiêu dùng và (5) các hoạt động chưa được quan sát khác. Mục (5) cơ bản là do tính sót, như vậy có thể hỏi TCTK đã thống kê sót một khoản lớn như vậy?
Khi nâng GDP lên tỷ lệ thuế sản phẩm so với GDP của Việt Nam giảm đi có thể dẫn đến tỷ lệ thuế sản phẩm trong GDP của Việt Nam vào loại thấp nhất thế giới, điều này có thể dẫn đến thuế và phí đánh vào người tiêu dùng sẽ tăng lên để phù hợp với thông lệ Quốc tế?
Ông phó phòng thống kê ở IMF hết nhiệm kỳ sẽ rời Việt Nam và người dân Việt Nam có thể sẽ chịu hậu quả từ sự không thực sự hiểu biết về thống kê và những phát biểu kiểu dĩ hòa vi quý của mình. Người dân Việt Nam là người đóng thuế và trả nợ nên ý kiến của bên chủ nợ cũng quan trọng nhưng ý kiến của người trong nước là quan trọng nhất!