Thuế chưa tăng đã thấy sức ép
Bộ Tài chính đề xuất ban hành một Luật mới để sửa đổi bổ sung 5 luật thuế gồm Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế tài nguyên, Luật Thuế thu nhập DN và Luật Thuế thu nhập cá nhân. Vấn đề nóng nhất là đề xuất giảm bớt đối tượng chịu thuế GTGT 5%, những hàng hóa dịch vụ đang chịu thuế VAT 10%, từ ngày 1/1/2019 sẽ phải chịu thuế 11% và 12% từ ngày 01/01/2020 (theo dự thảo mới nhất).
Một trong những cơ sở để sửa đổi thuế VAT mà Bộ Tài chính cho biết là mức thuế suất thuế VAT thông thường 10% như hiện nay là tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Trên thế giới, số nước áp dụng thuế VAT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách đang nhiều và tăng thuế suất VAT đang trở thành xu hướng phổ biến. Bộ Tài chính cho biết, theo Ngân hàng Thế giới, qua thống kê mức ở 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25%...
Tăng thuế sẽ khiến người nghèo càng nghèo hơn (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, hiện tỷ trọng đóng góp của thuế VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU – là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, thuế VAT chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), thuế VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU.
“Thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn”, TS Vũ Thành Tự Anh nhận định.
Bên cạnh đề xuất tăng thuế VAT, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch khung (từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít...) của Bộ Tài chính cũng đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nếu thuế GTGT và thuế môi trường cùng tăng, chỉ tính riêng mặt hàng xăng sẽ phải gánh thêm chi phí thuế rất lớn. Trong khi xăng là nguyên liệu đầu vào của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, do đó, giá chỉ cần nhích lên sẽ có tác động không nhỏ tới nhiều ngành khác. Và người gánh chịu là người tiêu dùng sau cùng.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thuế nhập khẩu giảm là nhờ cam kết, trao đổi có đi có lại trong hội nhập. Nếu vì nguồn thu ít đi mà quay sang đánh thuế nội địa, trong đó có thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tính chất hợp lý rất thấp. Điều này còn làm DN bị “thiệt đơn thiệt kép”.
Lý do là DN đang bị ảnh hưởng khi thuế nhập khẩu giảm, hàng ngoại nhập vào rất nhiều. Trong khi tiếp tục phải tăng chi cho thuế nội địa, DN sẽ càng bị áp lực cạnh tranh lớn hơn nên sẽ khó có thể “sống” được.
Nhà nước sẽ được gì và mất gì?
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, thuế VAT là một loại thuế gián thu, tức là DN đóng hộ người tiêu dùng. Tăng VAT tức là toàn dân sẽ phải gánh chịu khi tiêu dùng bất kể sản phẩm gì dù là sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Tăng VAT mà giảm thuế thu nhập là một hình thức đứng về phía người giàu, chia nghĩa vụ thuế lên vai toàn dân.
“Đa số người lao động Việt Nam làm còn chưa đủ chi tiêu dùng cuối cùng. Do vậy, việc tăng thuế sẽ khiến người nghèo càng nghèo hơn, khoảng cách giàu nghèo cũng vì thế mà cách xa hơn”, ông Trinh nói.
Bởi tăng VAT sẽ dẫn đến chỉ số giá sản xuất (PPI) của nền kinh tế tăng lên khiến cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng theo. Như vậy, thực chất GDP không tăng lên mà thậm chí giảm đi ở ngay chu kỳ sản xuất sau đó. Ở những chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ khó khăn.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi nền kinh tế, sản xuất kinh doanh vẫn rất khó khăn và thu nhập của người dân chưa cao thì việc tăng thuế chưa chắc đã làm tăng được số thu như ban soạn thảo mong muốn, vì vậy thời điểm thực hiện cần được cân nhắc cẩn trọng.
“Việc tăng thuế như dự thảo sẽ làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận trực tiếp của DN và của nền sản xuất kinh doanh nói chung. Do đó, cần giải quyết vấn đề thu đúng, thu đủ, thu công bằng để chống thất thu thay vì tăng thuế suất”, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO nhấn mạnh./.
Cần làm rõ việc tăng thuế sẽ đem lại lợi ích cho ai? Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, nếu tăng thuế xăng để bảo vệ môi trường thì phải chứng minh rõ là tiền thuế đó được sử dụng bảo vệ môi trường như thế nào.
Tăng thuế với xăng dầu: Cần cân nhắc sức chịu đựng của nền kinh tế VOV.VN - Theo chuyên gia, không thể vì nguồn thu giảm mà tăng thuế nội địa như đề xuất của Bộ Tài chính về tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.Tính thuế thu nhập cá nhân: Giảm thất thu, trốn thuế hơn tăng thuế VOV.VN - Căn cứ tính thuế, xác định mức chịu thuế TNCN cần khoa học, theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam.