Gần đây, các ngân hàng liên tục đăng tải thông tin rao bán các bất động sản, tài sản là tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu tồn đọng tại ngân hàng.
Đây vừa là nghiệp vụ thường xuyên của các ngân hàng nhưng ở thời điểm hiện tại, sức ép xử lý nợ xấu càng lớn hơn khi năm tài chính 2020 sắp kết thúc, cũng là thời điểm để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổng kết quá trình thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.
Vậy thực tế, các ngân hàng đã xử lý nợ xấu đến đâu và còn vướng mắc gì trong quá trình xử lý các tài sản bảo đảm?
Để làm rõ vấn đề trên, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Các ngân hàng đang ráo riết xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, có những tài sản bảo đảm phải đấu giá tới lần thứ 7, 8, thậm chí lần thứ 14, 15. Xin ông cho biết nguyên nhân của tình trạng trên và tiến trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng đang ở đâu?
TS. Cấn Văn Lực: Thanh lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu là bắt buộc đối với các TCTD. Việc thanh lý tài sản bảo đảm được đẩy mạnh góp phần đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, giải phóng tài sản, giải phóng dòng tiền.
Thanh lý tài sản bảo đảm góp phần giảm nợ xấu, giúp các ngân hàng giảm bớt trích lập dự phòng rủi ro làm lợi nhuận tăng lợi nhuận. Đặc biệt, trong bối cảnh năm nay, cả nền kinh tế chịu tác động lớn từ dịch bệnh, lợi nhuận ngành ngân hàng cũng sẽ chịu tác động tiêu cực.
Cùng với đó, đẩy nhanh thanh lý tài sản bảo đảm cũng là góp phần thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu chung của cả nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN qua Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.
Tuy nhiên quá trình thực hiện thanh lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng không hề đơn giản và còn nhiều vướng mắc. Có một vài lý do cơ bản dẫn tới các khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo.
Đầu tiên là nhiều trường hợp bên đi vay thiếu thiện chí hợp tác xử lý tài sản. Có trường hợp đấu giá xong rồi, bên đi vay không chịu phối hợp để hoàn thiện hồ sơ thủ tục, dẫn tới chuyển giao tài sản khó khăn.
Hai là do tình hình kinh tế khó khăn chung nên thị trường bất động sản, tài sản đang chững lại, khiến việc thanh lý tài sản bảo đảm càng khó khăn hơn. Đây cũng là lý do vì sao có những tài sản đấu giá tới 10 lần, rồi mười mấy lần mà vẫn chưa được. Sức cầu ít, không nhiều khách hàng có nhu cầu mua là trở ngại lớn trong xử lý tài sản bảo đảm.
Ba là về quy định hiện hành của nước ta hiện nay khi đầu giá tài sản bảo đảm, nhất là bất động sản thì muốn giảm giá nhiều trong một lần đấu giá cũng không được. Vì quy định chỉ cho giảm không quá 10% sau mỗi lần đấu giá nên buộc phải đấu giá làm nhiều lần.
Với những tài sản đã được đấu giá, nhưng không thể chuyển giao do người đi vay không chịu hợp tác thì sẽ xử lý thế nào thưa ông? Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu liệu có đẩy nhanh được quá trình xử lý nợ xấu như mong đợi?
TS. Cấn Văn Lực: Trong trường hợp đã đấu giá nhưng bên vay không hợp tác chuyển giao tài sản bảo đảm thì buộc phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, công an, toà án để giải quyết. Tuy nhiên trên thực tế. có những trường hợp vẫn có thể đàm phán được giữa các bên nhưng cũng có trường hợp bên vay quá chây ỳ, gây khó dễ cho cả ngân hàng và người mua tài tài sản bảo đảm.
Nghị quyết 42 ra đời có nhiều tổng kết, đánh giá, phân tích cho thấy từ khi có Nghị quyết, thiện chí của bên đi vay tốt hơn, sự vào cuộc của cơ quan chức năng thực chất hơn và kết quả xử lý tài sản bảo đảm đã tăng gấp đôi so với đợt trước.
Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện có thể thấy vẫn còn những tồn tại phải tiếp tục được giải quyết. Một vài vướng mắc cơ bản như vẫn còn những con nợ thiếu hợp tác, đâu đó sự vào cuộc của cơ quan chức năng chưa quyết liệt. Rồi thị trường mua bán nợ trầm lắng, vẫn chưa có thị trường mua bán nợ (thị trường để bán cả nợ thường và nợ xấu).
Khi có thị trường mua bán nợ thì thanh khoản sẽ tốt hơn, nhiều người mua bán tập trung lại thì hoạt động mua bán nợ mới sôi động được. Một thị trường mua bán nợ là rất cần thiết để xứ lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu.
Đề xuất thành lập thị trường mua bán nợ đã được đưa ra từ khoảng 3-4 năm trở lại đây. Với những ưu điểm lớn như thế, tại sao chúng ta vẫn chưa thể thành lập một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp?
TS. Cấn Văn Lực: Điều này có thể do cơ quan đầu mối là Bộ Tài chính chưa vào cuộc quyết liệt. Có thể Bộ chưa thật mặn mà và chưa thấy rõ sự cần thiết của thị trường mua bán nợ.
Thị trường mua bán nợ tất nhiên không phải là chìa khoá vạn năng, không thể ngay lập tức giải quyết hết nợ xấu, xử lý hết các tài sản đảm bảo của nợ xấu. Để xử lý được nợ xấu của nền kinh tế một cách triệt để cần nhiều biện pháp kết hợp để giải quyết các vướng mắc nêu trên và trong đó có yêu cầu thành lập thị trường mua bán nợ.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đặt ngành ngân hàng trước thách thức mới, xử lý nợ xấu cũ đã khó nay còn nỗi lo nợ xấu mới nảy sinh. Vậy làm sao để giải bài toán nêu trên cho các TCTD?
TS. Cấn Văn Lực: Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều khách hàng cũng đã có dấu hiệu lợi dụng để trì hoãn trả nợ, trì hoãn giao tài sản thanh lý cho các TCTD khiến cho quá trình xử lý nợ xấu càng khó khăn hơn.
Khi nợ cũ chưa giải quyết dứt điểm, tình hình nợ xấu mới có nguy cơ tăng cao, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan công an, chính quyền địa phương, đặc biệt chú trọng vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp với các tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu.
Các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn văn bản theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu vì hiện nay còn một số bộ ngành còn chưa có hướng dẫn cu thể.
Cùng với đó, khi Nghị quyết 42 bắt đầu hết hiệu lực vào tháng 8/2022, Chính phủ cần cân nhắc 2 phương án, hoặc là là ban hành Luật riêng về xử lý nợ xấu, nhằm luật hoá Nghị quyết 42, để Nghị quyết trở nên mạnh mẽ hơn, hoặc là gia hạn thêm thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và có sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn, giải quyết những tồn tại đã được chỉ ra qua 5 năm thực hiện.
Xin cảm ơn ông!