TS. Đặng Kim Sơn- Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT) đã cho biết như trên khi trả lời phỏng vấn của PV Báo điện tử Dân Việt xung quanh câu chuyện điều hành xuất khẩu gạo hiện nay.
TS Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT). Ảnh: DV.
Trong vài ngày gần đây, việc Hải quan mở tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo lúc nửa đêm đã khiến cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo bức xúc, có doanh nghiệp đã viết đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ tới 4 lần. Từ thực tế này có thể thấy, dường như, sau nhiều năm, hạt gạo vẫn chưa được thực sự cởi trói trong cơ chế về xuất khẩu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Nếu đứng về mặt cung - cầu thì với một đất nước có sản lượng gạo dồi dào như Việt Nam xuất khẩu được càng nhiều càng tốt, nhất là trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, nhiều nông sản khác "đóng băng", chỉ có thị trường gạo vẫn vô cùng sôi động.
Nói về việc "cởi trói" cho hạt gạo, thực tế, từ năm 2000, hạt gạo đã được "cởi trói" với nhiều chính sách, cơ chế rất thông thoáng trong xuất khẩu và sản lượng gạo xuất khẩu vẫn ổn định, tăng đều theo từng năm từ đó đến nay.
Tuy nhiên, khi có những yếu tố biến động (dịch bệnh, thiên tai) như hiện nay là tác động của dịch Covid-19 khiến các nước đều có xu hướng tích trữ lương thực thì việc Chính phủ đặt ra vấn đề kiểm soát xuất khẩu là vô cùng cần thiết.
Thế nhưng tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, việc xuất khẩu gạo lại trở nên khó khăn đến thế, thưa ông?
- Ở đây, nhắc đến việc xin - cho là nảy sinh những rắc rối, còn mọi năm vẫn xuất khẩu ào ào. Khi cơ chế chạy theo một cách không tự nhiên thì sẽ có những sự phức tạp.
Phải khẳng định rằng, trong thời điểm này, việc Chính phủ đặt ra những lo ngại về an ninh lương thực là vô cùng cần thiết. Nhưng sự thay đổi quá đột ngột trong điều hành xuất khẩu gạo của các bộ ngành đã tạo ra cơn sóng trong ngành lúa gạo những ngày vừa qua.
Theo TS Đặng Kim Sơn, nông dân là đối tượng thiệt thòi nhiều nhất trong việc thay đổi các chính sách xuất khẩu gạo. Ảnh: VNE.
Nghị định 107 được cho là đã tháo gỡ những khó khăn "cởi trói" cho những doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng thực tế hiện nay mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Theo ông, điều này có phải do hoàn cảnh đặc biệt của năm nay tạo nên hay vẫn cần những đột phá chính sách mới?
- Rõ ràng, khi có tình huống đột biến, phức tạp nên phải đặt ra vấn đề kiểm soát và trong tình huống này kiểm soát là đúng. Chỉ có điều khi kiểm soát nếu tấm lòng trong sáng, dân chủ thì không sao, còn bộ máy mà cứ động đến xin - cho là có vấn đề thì rõ ràng doanh nghiệp sẽ gặp những rào cản.
Vì vậy, theo tôi, tốt nhất là không xin - cho, hãy để hạt gạo tự vận hành theo cơ chế thị trường.
Với năng lực sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện nay, theo ông, chúng ta có quá lo ngại về vấn đề an ninh lương thực?
- Theo tôi, xét về yếu tố cung - cầu thì vẫn ổn định, vẫn thừa cung, đảm bảo sản lượng xuất khẩu gạo 6,5 - 6,7 triệu tấn, như vậy nếu an ninh lương thực xét theo khía cạnh nguồn cung thì không có vấn đề gì.
Nhưng có vấn đề khi giá đẩy lên, nếu trong trường hợp đột xuất giá có thể lên, không chỉ giá trong nước mà giá thế giới cũng lên kéo theo giá gạo trong nước lên thì có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng không có thu nhập. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người không có việc làm, giảm thu nhập không có tiền mua gạo nên dù gạo vẫn nằm đấy nhưng nhiều người không mua nổi.
Giá gạo lên sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng vì lương thực chiếm tỷ trọng quan trọng trong rổ hàng hóa. Đứng về phía Chính phủ, những lo ngại về kinh tế vĩ mô phải đặt ra.
Nhưng đứng về phía người nông dân thì có thể thấy đây là thời điểm nông dân đang chồng chất khó khăn, hết dịch tả lợn châu Phi lại đến hạn hán, xâm nhập mặn, các nông sản khác cũng ứ đọng không bán được. Chính phủ không thể có đủ ngân sách để hỗ trợ cho một lực lượng chiếm phần lớn dân số nên theo tôi, cách tốt nhất có thể bù đắp cho họ là tháo gỡ khó khăn về mặt thị trường, giải phóng thị trường lúa gạo càng nhanh càng tốt.
Hiện chỉ còn mỗi gạo là bán được, nếu tháo gỡ sớm thì không chỉ người nông dân đỡ khổ mà người ta có tín hiệu, có nhiệt huyết, có động lực để bước vào vụ sản xuất tiếp theo.
Việt Nam cứ 3,5 tháng là có một vụ sản xuất, nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long sắp có lúa vụ hè thu, nếu có tín hiệu thị trường khả quan nông dân sẽ có động lực xuống giống, lúc đó sản lượng lúa sẽ tăng lên. Việc co giãn đó xưa nay vẫn thế, nếu có tín hiệu tốt từ thị trường, nông dân sẽ điều chỉnh diện tích sản xuất vụ hè thu hay thu đông. Nhưng tín hiệu đó phải rất rõ ràng để người nông dân vốn đã khó khăn, đã kiệt sức vì hạn mặn, giờ thêm dịch Covid-19 có thể gượng dậy nổi.
Quan trọng là phải có giải pháp vì người nông dân lúc này, chứ không phải quá lo lắng về an ninh lương thực. Còn nếu có những lo lắng về chỉ số lạm phát, đột biến giá, khó khăn cho người nghèo không tiếp cận được lúa gạo thì chúng ta phải dùng biện pháp khác để bổ sung cho nguồn cung chứ không nên làm nhiễu loạn thị trường, làm ảnh hưởng đến động lực sản xuất đã chảy suốt 10 năm nay của ngành hàng lúa gạo.
Theo dõi diễn biến điều hành xuất khẩu gạo mấy ngày qua cho thấy, dường như sự phối hợp của các bộ ngành trong vấn đề này còn thiếu linh hoạt. Có thể lấy ví dụ, ngay từ đầu, Bộ NNPTNT đã khẳng định, sản lượng thóc năm nay đạt 43,5 triệu tấn, đảm bảo đủ tiêu dùng và dành cho xuất khẩu khoảng 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo nhưng Bộ Công Thương vẫn đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo, sau đó chính bộ này lại đề xuất cho xuất khẩu tiếp nhưng kiểm soát số lượng. Hay Bộ Tài chính đã 2 lần đề nghị chỉ tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường, cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo tẻ thơm bình thường nhưng ý kiến này không được Bộ Công Thương đưa vào văn bản trình Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Câu hỏi của bạn chính là câu trả lời rồi đó.
Theo ông tình hình xuất khẩu thời gian tới như thế nào, trong trường hợp Chính phủ sẽ nới lỏng hạn ngạch?
- Từ năm 2000 chúng ta đã bỏ hạn ngạch, từ năm 2000 chúng ta đã cho phép doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào xuất khẩu gạo chứ không chỉ là sân chơi của doanh nghiệp Nhà nước. Càng ngày chúng ta xuất khẩu càng mạnh và Việt Nam là một thị trường có tín nhiệm trên thế giới.
Duy nhất năm 2008 là một năm có sự tròng trành, cân đối cung - cầu vẫn đảm bảo nhưng giá thế giới lên rất mạnh nên có lúc Chính phủ yêu cầu tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo mới nhưng rút cục khách hàng nhìn mình bằng con mắt không đáng tin cậy.
Và người nông dân, giá cả là tín hiệu để người ta sản xuất, nhưng chúng ta lỡ mất cơ hội, khi giá thế giới giảm mới mở lại thị trường. Trong hoàn cảnh này, người thiệt thòi thì nhiều nhưng thiệt nhất là người nông dân.
Chính vì vậy, tôi cho rằng, hiện nay chúng ta đang có những tranh cãi không cần thiết, ví dụ như hạt gạo Japonia, gạo hạt tròn, gạo nếp có nằm trong danh mục dự trữ không. Những đối tượng này không ảnh hưởng đến an ninh lương thực vì đó là những loại gạo có địa chỉ rõ ràng, thị trường cũng có định hướng rất rõ chúng ta cần giữ, cũng là giữ sự tín nhiệm với khách hàng mà cộng đồng doanh nghiệp đã dày công xây dựng.
Câu chuyện ở đây không chỉ là lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đã khó càng thêm khó mà còn là sự tín nhiệm của thị trường và lòng tin của người dân. Phải đề cao chuyện đó.
Từ thực tế điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua, ông có đề xuất chính sách gì để đảm bảo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo luôn thông suốt dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào?
- Rõ ràng xuất khẩu gạo bình thường không vấn đề gì, những năm gần đây, so với nhiều ngành hàng khác, gạo cũng không phải ngành đem lại lợi nhuận cao, đã có nhiều ý kiến đề nghị thu hẹp diện tích sản xuất lúa gạo.
Nhưng đối với nông dân không phải là những khó khăn về sản xuất, nếu sản xuất có khó khăn thế nào người ta cũng vượt qua, từ dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bằng sự kiên cường của mình, họ đều vượt qua hết, nhưng có một thứ họ không thể vượt qua được, đó là thị trường.
Vì vậy, về lâu dài, các ngành chức năng tiếp tục phải mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ cho nông dân. Nếu chưa mở được ngay thì cũng không nên tạo thêm khó khăn cho họ, tạo thêm những tín hiệu sai lệch để đánh vào lòng tin của họ, cản trở đến doanh nghiệp và nông dân, nhất là trong bối cảnh khó khăn như thế này.
Cách tốt nhất để không xảy ra chuyện đó, khi cần thiết (trong thảm họa, thiên tai, dịch bệnh) phải quản lý, kiểm soát xuất khẩu là đúng nhưng khi kiểm soát không phải bằng quyết tâm của bộ nọ ngành kia, bằng máy nọ máy kia, bằng hệ thống tự động, cái gì cũng do con người điều hành hết. Tấm lòng không trong sáng thì không thể nào hệ thống chạy thông suốt, dù có là tự động.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
"Theo tôi, phải tạo ra một hệ thống quản lý mà ở đó mọi người đều có quyền giám sát, có quyền có ý kiến. Trong chuỗi lúa gạo có nông dân, có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, có doanh nghiệp Nhà nước, có doanh nghiệp tư nhân, thế thì tất cả đại diện doanh nghiệp, đại diện các bộ, đại diện địa phương và đại diện nông dân phải được biết tình hình ngừng như thế nào, khối lượng xuất khẩu bao nhiêu, phân bổ cho ai, mở cửa vào thời gian nào chứ không phải là quyền quyết định của một bộ ngành, càng không phải quyền quyết định của một cục, vụ hoặc một số cán bộ".. (TS. Đặng Kim Sơn) |