Nói với Dân Việt, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề cập: Về nguyên tắc, người đấu thầu quyết định về giá và người mua thầu quyết định về số lượng và ngược lại, người đấu thầu quyết định số lượng thì người mua thầu quyết định về giá.
"Không bao giờ có chuyện, người đấu thầu quyết định cả về giá và số lượng", TS Nghĩa nhấn mạnh.
Ông dẫn chứng, khi bán một loại sản phẩm hàng hóa nào đó trên thị trường. Người bán có thể đưa mức giá 5.000 đồng/sp. Với mức giá này, người mua có quyền quyết định không mua, hoặc chỉ mua 1 sản phẩm và có thể mua nhiều sản phẩm. Hay như khi người bán có 5 sản phẩm, người mua có quyền quyết định mua 5 quả với giá 1 đồng, nhưng người bán có 10 sản phẩm, người mua mua 10 quả nhưng giá chỉ 1 nửa.
Trong trường hợp đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giá, vừa quyết định về số lượng khiến người mua "không biết đâu mà lần", theo ông Nghĩa.
Hai là, mục đích của Ngân hàng Nhà nước là giảm giá vàng. Để làm được thì mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp. Ví dụ, giá vàng thế giới quy đổi ra khoảng 72 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu 72 triệu đồng/lượng, Như vậy mới thu hút được người mua. Bởi khi đó, các đơn vị tham gia hy vọng mua với giá 72 triệu đồng/lượng và bán ra 73 triệu đồng/lượng. Bán ra với mức giá 85 triệu để bán lại với giá 80 triệu thì không đơn vị nào tham gia.
"Đơn vị đấu thầu để tăng cung lại có hại cho chính nó, mua giá cao – bán giá thấp, doanh nghiệp sẽ chết. Vì vậy, nguyên tắc đầu thầu để giảm giá chẳng có cách nào khác là tăng nguồn cung bằng cách cho phép các đơn vị kinh doanh vàng xuất nhập khẩu tự do và quản lý bằng thuế", ông Nghĩa nói.
Từ việc giá vàng tăng "nóng", đổ xô mọi kỷ lục trong thời gian qua và vẫn có mức "chênh" lớn so với giá vàng thế giới, ông Nghĩa cho rằng ngoài lý do nguồn cung chưa có sự thay đổi nào, một lý do khác đó l tác động nhất định về tâm lý.
"Người dân lo ngại rằng các cuộc đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước không thành công, làm kích hoạt tâm lý tăng giá vàng", ông Nghĩa nêu.
Bổ sung thêm, vị chuyên gia này cho biết, đấu thầu vàng không phải là biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất để tăng nguồn cung là cho phép các doanh nghiệp vàng được nhập khẩu và xuất khẩu vàng. Nhà nước kiểm soát bằng thuế.
"Bằng cách này, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới liên thông ngay. Bởi vì, các doanh nghiệp vàng bạc nhập khẩu vàng từ Singpore, Hồng Kông, Thái lan về đây quá nhanh", ông nói.
Về chính sách thuế, theo ông Nghĩa, muốn không khuyến khích, Nhà nước đánh thuế thật cao, muốn chống buôn lậu, đánh thuế thấp. Khi thuế thấp thì không ai đi buôn lậu, thuế thấp thì chênh lệch giá vàng cũng giảm. Còn nếu để như hiện nay, buôn lậu vàng sẽ tăng.
Cũng theo ông Nghĩa, mặc dù giá vàng tăng "điên đảo" như thời gian vừa qua, nhưng không có chuyện "vàng hóa" như nhiều lo ngại.
"Chúng ta không phải lo ngại về tình trạng vàng hóa nền kinh tế ở thời điểm này. Theo định nghĩa của IMF, USD hóa hay vàng hóa với điều kiện hệ thống ngân hàng nhận tiền gửi bằng vàng/bằng đô la và cho vay bằng vàng/bằng đô la. Giai đoạn 2009 - 2011, chúng ta cho phép điều đó. Và một số ngân hàng thương mại lợi dụng quy định này giảm thiểu kinh doanh ngân hàng và chuyển sang kinh doanh vàng, từ đó tạo ra cú sốc về vàng. Sau đó, ngân hàng Nhà nước thấy rằng, cần ra Nghị định 24 và không cho phép các ngân hàng thương mại cho vay và huy động bằng vàng. Vì vậy, không phải lo chuyện lặp lại như ngày xưa", nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định.