Tại tọa đàm về Bất động sản hạng sang và không gian sống thượng lưu trong đô thị mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng người giàu Việt Nam thích ở chung cư hạng sang giữa lòng đô thị, đây là xu hướng lạ, thậm chí kém văn minh. So sánh với các nước khác trên thế giới, ông Nghĩa cho rằng người giàu sẽ đổ về các khu vực xa trung tâm, sống trong các căn biệt thự có diện tích lớn.
“Chung cư giữa lòng đô thị đúng ra là nơi ở của người nghèo, nơi họ dễ dàng sử dụng phương tiện giao thông công cộng”, ông Nghĩa nói.
GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, cũng có chung nhận định, cho rằng người giàu có ở nước ngoài thường không thích sống trong các khu chung cư, bao gồm cả chung cư cao cấp, hạng sang hay siêu sang. Bởi bản chất của chung cư là hướng đến cuộc sống chung, trong khi người giàu thường thích những thứ đặc biệt, độc nhất vô nhị nên thông thường có xu hướng tạo ra các sản phẩm khác biệt.Bởi xu hướng thích sở hữu không gian sống ở trung tâm đô thị, TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho giá bất động sản Hà Nội, TP HCM, đặc biệt là phân khúc hạng sang, trong tương lai còn cao hơn cả Singapore vì nhu cầu nhập cư tại các thành phố lớn của Việt Nam ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, giáo sư Võ cho rằng các quan niệm có thể thay đổi theo thời gian.
Bất động sản hạng sang không ế, tồn kho, thậm chí còn nhiều cơ hội
Nói về tiềm năng của bất động sản hạng sang, GS Đặng Hùng Võ cho rằng phân khúc này còn nhiều dư địa để phát triển bởi số lượng người giàu trong nước ngày càng nhiều, các hiệp định thương mại tự do kiểu mới cũng làm cho lao động nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn.
Tuy nhiên, với lý do thứ hai, GS Võ cho rằng vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, Luật Nhà ở 2014 mở cửa rất rộng để cho người nước ngoài vào song Luật Đất đai vẫn đóng, hạn chế cho người nước ngoài sở hữu.
"Người nước ngoài không dám tin để xuống tiền, thành ra họ chủ yếu là mua căn hộ hạng sang tại các chung cư mà chưa dám mua villa, đất nền, shophouse...", GS Đặng Hùng Võ nói.
"Chính hệ thống quản lý của chúng ta đang làm hại phân khúc bất động sản hạng sang dù đây là phân khúc tiềm năng và thời cơ có nhiều. Điều này đang làm giảm đi số lượng người nước ngoài quan tâm bất động sản Việt Nam", nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường nói.
|
Theo GS Đặng Hùng Võ, dù có nhiều cơ hội phát triển nhưng bất động sản hạng sang đang tắc. Ảnh: Thủy Tiên |
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cho hay bất động sản hạng sang có 2 dòng sản phẩm là dòng căn hộ và dòng biệt thự liền kề. Trong đó, căn hộ hạng sang có số lượng sản phẩm bất động sản cân bằng ở TP Hà Nội và TP HCM, đồng thời chiếm khoảng 1/3 tỷ trọng các sản phẩm được tung ra thị trường.
Riêng trong năm 2019, nhiều sản phẩm hạng sang đã xuất hiện với mức giá “giật mình” như tại TP HCM, một dự án với 200 căn hộ ở mức giá khoảng 300 triệu đồng/m2, chủ đầu tư vẫn bán thành công và hết hàng chỉ trong hơn một tháng. Tại thị trường Hà Nội, tỷ lệ hấp thụ căn hộ chung cư đạt 68,5%. Trong đó, tổng lượng tìm kiếm dòng căn hộ cao cấp và hạng sang dao động ở mức 45 - 46%, đứng vị trí cao nhất.
Đánh giá về nhu cầu và khả năng hấp thụ của sản phẩm bất động sản hạng sang, ông Nguyễn Văn Đính cho hay kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong nhiều năm đã tạo ra một bộ phận không nhỏ những người có thu nhập cao, giàu có. Họ có nhu cầu nhà ở hạng sang có chất lượng cao. Nhóm này chiếm tỷ trọng khoảng 45% trong cơ cấu người mua nhà ở cao cấp và hạng sang. Nhóm khách là các chuyên gia, thương gia, kỹ thuật viên người nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo dòng vốn FDI cũng thường chọn mua nhà tại các dự án hạng sang, chiếm khoảng 15%. Nhóm khách có vốn lớn mua đầu tư cho thuê chiếm khoảng 40%.
Nắm bắt nhu cầu này, các nhà phát triển bất động sản đã đẩy mạnh đầu tư tạo ra các dự án cao cấp và hạng sang tại các đô thị lớn ở Việt Nam. Hàng năm cung cấp ra thị trường hàng vạn sản phẩm.
Với giá cao, nhiều sản phẩm bất động sản hạng sang chưa bán được hàng. Tuy nhiên, ông Đính cho rằng không thể nhìn vào tỷ lệ hấp thụ để đánh giá phân khúc này đang ế hàng, tồn kho bởi các phân khúc giá cao vẫn thường có khả năng hấp thụ chậm hơn so với các phân khúc bình dân.