Đây là nội dung được đưa ra tại toạ đàm "Khởi nghiệp thời 4.0: Dễ hay khó" trong khuôn khổ lễ ra mắt ứng dụng gọi xe "be" sáng nay, 13/12.
Nói về câu chuyện của các doanh nghiệp trong làn sóng 4.0, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, một tuần trước đó, ông đã được nghe một lời tuyên bố có phần "ghê gớm" – theo cách gọi của ông, từ phía doanh nghiệp Singapore.
"Doanh nghiệp này đang muốn nhảy vào lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam", ông Nghĩa tiết lộ và cho biết họ đang khá thận trọng.
"Họ nói rằng chúng tôi đang quan sát cách Chính phủ Việt Nam hành xử với Grab cũng như tạo ra khung chính sách lâu dài đối với mô hình này", ông kể lại.
Theo ông, doanh nghiệp Singapore này nhận định Chính phủ Việt Nam đang có sự lẫn lộn nhất định khiến họ vẫn còn nhiều lo ngại. Tuy nhiên, doanh nghiệp này rất tự tin khi cho biết một khi họ vào Việt Nam thì "chỉ trong 2 năm sẽ quét sạch không còn doanh nghiệp Việt nào".
Dù tuyên bố có phần hơi quá nhưng ông Nghĩa cho biết doanh nghiệp này rất có tiềm lực, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, gặp nhiều khó khăn, rào cản.
"Tôi có gặp anh Phạm Nhật Vượng, hai anh em nhất trí với nhau, trong lĩnh vực số hoá, startup nhất định phải có doanh nghiệp lớn chống lưng", ông Nghĩa cho biết.
Bởi bên cạnh chiến lược, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp là vấn đề tài chính. Những cơn khủng hoảng tài chính ở cấp nội bộ cũng có thể tạo thành khủng hoảng toàn diện khiến doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí là "khai tử". Việc được trợ lực về tiền bạc thì doanh nghiệp mới có thể giải quyết được những vấn đề ngắn hạn và tồn tại được, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Một lưu ý khác trong cuộc nói chuyện với ông Vượng là cần phải hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thật nhanh bởi "lớn chậm cũng là chết".
"Không thể kéo dài thời gian ‘sài đẹn’ của doanh nghiệp", ông ví von bởi các "cá mập" trong khu vực, hay trên thế giới đang nhìn vào thị trường Việt Nam với con mắt thèm muốn. "Chúng ta chỉ cần ngắc ngoải là chết ngay", ông nói.
Theo ông, Chính phủ dù đã nhiều lần nhấn mạnh về khởi nghiệp nhưng trong thực tiễn, các chính sách hỗ trợ cho giới startup vẫn còn nhiều hạn chế. Việt Nam vẫn đang bị các nước bỏ xa trong vấn đề này. Thậm chí, nhiều trở ngại, khó khăn về chính sách, cơ chế, môi trường đầu tư đã khiến nhiều startup chọn giải pháp đăng ký thành lập, kinh doanh ở nước ngoài, tiêu biểu là Singapore.
Đối với vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết đấy là sự thật mà "nghe cũng phải ngậm đắng nuốt cay".
"Khởi nghiệp Việt Nam phải sang Singapore đăng ký kinh doanh là sự thật. Bạn bè của tôi làm startup nói về điều này rất nhiều", ông Thành nói.
Đồng ý với quan điểm của ông Nghĩa, ông Thành cho rằng chính sách đối với khởi nghiệp của Việt Nam còn rất nhiều vấn đề. Trong khi đó công nghệ 4.0 là không biên giới, với tính chất này, doanh nghiệp hoặc có thể lớn nhanh như thổi, gấp hàng trăm lần chỉ trong 1 – 2 năm nhưng đấy là nếu được hỗ trợ tốt hoặc có thể bị lụi tàn nhanh chóng. Do vậy, các chính sách cần được nghiên cứu và áp dụng một cách hợp lý.