Chia sẻ quan điểm tại hội thảo về đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành (Đồng Nai) tổ chức ngày 28/3, TS Lương Hoài Nam - nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines cho rằng, lâu nay ông vẫn tìm một từ để mô tả dự án này, và từ người dẫn chương trình của buổi hội thảo ông đã tìm được từ “loay hoay” – từ mà ông cho rằng chuẩn xác để miêu tả dự án.
Lý do dẫn đến việc loay hoay theo ông là do trong nhiều năm qua các cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ mô hình đầu tư.
“Dự án chỉ bắt đầu khi rõ những ai xuống tiền, xuống tiền với tư cách nào, xuống bao nhiêu tiền, xuống khi nào và cho những hạng mục nào. Khi rõ những thứ như thế và có đủ hành lang, cơ sở pháp lý cho dòng tiền chuyển động thì khi đó dự án bắt đầu” – ông Nam nói.
Ông cũng nhận định rằng cách thức triển khai dự án hiện nay giống như đang đầu tư công chứ không phải theo đầu tư công – tư (PPP).
Ông Nam nhấn mạnh rằng, đầu tiên dự án phải làm rõ được mô hình đầu tư với những cam kết góp vốn, tín dụng của các cá nhân trong và ngoài nước… sau đó mới báo cáo trình Quốc hội, chứ không phải trình Quốc hội rồi mới đi kêu gọi đầu tư như đang làm.
“Khi xác định có tiền đầu tư của tư nhân nước ngoài cần lưu ý rằng người bỏ tiền phải có tiếng nói tham gia. Họ không bao giờ bỏ tiền nếu như không tham gia vào những vấn đề chủ chốt của dự án đầu tư.
Với Long Thành là quy hoạch, thiết kế, phân kỳ, tổ chức khai thác kinh doanh. Tôi có cảm giác chúng ta đang làm hết những việc đó trước khi có nhà đầu tư tham gia” – ông Nam nhận định.
“Riêng về thiết kế, nếu trong mô hình đầu tư PPP có những tỷ phú người Việt Nam hay thế giới, chắc gì người ta đã ủng hộ phương án nhà ga hình hoa sen. Khi ấy ta có cho họ có ý kiến về phương án đó không, hay nói đã chốt rồi, đầu tư thì đầu tư mà không thì thôi?” – ông Nam đặt câu hỏi.
Ông Lương Hoài Nam khẳng định: “Kêu gọi vốn không khó, mà cái khó là có cơ chế thích hợp, rõ ràng”.
Trong khi đó PGS Nguyễn Trọng Hòa – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nêu ý kiến rằng: Cần lấy thái độ của các nhà đầu tư để xem xét hiệu quả kinh tế.
“Các nhà đầu tư tư nhân, các tỷ phú rất tinh tường. Họ có bộ máy nghiên cứu rất kỹ. Khi chúng ta chào mời PPP thì lập tức thấy ngay họ có mặn mà hay không – đó chính là thước đo hiệu quả kinh tế, vì họ đầu tư phải có lợi nhuận” – ông chia sẻ.
"Sân bay làm theo hình hoa cúc, hoa sen là cũ lắm rồi. Thế giới giờ thiết kế sân bay như một xưởng lớn với những mô-đun kết nối vào nhau” - PGS Nguyễn Trọng Hòa chia sẻ. |
Trả lời những thắc mắc trên, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục phó quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng hình thức đầu tư “là bài toán rất khó cần phải làm”. Theo ông quy định về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ có ở cấp Nghị định, trong khi nhu cầu vốn từ tư nhân rất cao.
Ông thông tin rằng hiện Bộ KH&ĐT đang khẩn trương phối hợp các bộ ngành để trình Chính phủ hồ sơ dự luật về PPP, tuy nhiên “nếu thuận lợi” cũng phải đến quý 1/2020 mới có thể trình ra Quốc hội.
“Với nhà đầu tư phải đưa ra những gì họ cần nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý nhà nước” – ông Tuấn cho hay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận luật điều chỉnh đầu tư theo hình thức PPP đang có bất cập. |
Giải đáp thêm về hình thức đầu tư này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trong nghiên cứu khả thi phải trả lời được những câu hỏi: Nguồn lực lấy từ đâu? Phần nào của tư nhân, phần nào của nhà nước? Mô hình quản lý trong tương lai…?
“Chúng ta mong ước rất nhiều về PPP, nhưng có một điều là hành lang pháp lý chưa đồng bộ và ở mức độ còn rất thấp, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không” – ông Đông thừa nhận.
Ông Đông nhấn mạnh rằng cần có luật PPP để xác định vai trò của các chủ thể tham gia, vì hạ tầng sân bay không chỉ khai thác trong 5, 10 năm mà lên tới vài chục năm.