Khi lời khen là "viên đạn bọc đường"
Đánh giá về tình hình kinh tế nói chung, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định mức tăng trưởng GDP trong quý I đạt 6,79% là khá.
"Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể", ông cho biết, tuy nhiên, ngay lập tức, ông nói thêm: "Dù vậy vẫn còn rất thấp, và cách rất xa so với yêu cầu mà chúng ta đặt ra để thu hẹp khoảng cách so với những nước phát triển".
Vị chuyên gia này nhấn mạnh việc không được thoả mãn, "ngủ quên" với những kết quả đã đạt được. Ông thẳng thắn nói rằng không nên hài lòng ngay cả với những lời khen tặng của các chuyên gia, tổ chức quốc tế khi nhận định về Việt Nam.
"Điều này khiến chúng ta rút ngắn đi yêu cầu của cải cách. Chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng đấy", ông nói.
Theo ông Cung, Việt Nam trong thời gian tới vẫn phải duy trì được tăng trưởng GDP ở mức độ cao. Viện trưởng CIEM cho rằng không nên lấy trường hợp Trung Quốc để biện minh cho việc việc GDP có thể bị điều chỉnh giảm.
"Trung Quốc có hàng chục năm đạt mức tăng GDP trung bình gần 10%, GDP bình quân đầu người gấp 4 lần Việt Nam. Đến nay họ mới điều chỉnh giảm tăng trưởng do đã chạm ngưỡng. Ngược lại Việt Nam còn nhiều dư địa, đặt trong bối cảnh GDP bình quân đầu người thấp, tốc độ nếu cứ chậm thì không thể bắt kịp các nước phát triển", ông Cung lưu ý.
Chuyên gia của CIEM cũng đồng thời chỉ ra một số vấn đề bất ổn đang tồn tại trong nền kinh tế. Thứ nhất ông cho rằng cơ cấu của nền kinh tế chưa có sự dịch chuyển theo yêu cầu đặt ra. "Cơ cấu đóng góp của các ngành vào tăng trưởng về cơ bản vẫn loanh quanh, có nghĩa là không có sự dịch chuyển trong nội bộ, nguồn lực, tập trung cho ngành nào có hiệu quả hơn".
Mặt khác, nếu nhìn vào thành phần kinh tế, TS. Cung cho rằng khối FDI đang có sự gia tăng, khiến cho tỷ trong của khối doanh nghiệp nội địa (tư nhân và DNNN) giảm xuống.
Giải thích cho việc không có sự dịch chuyển như mong muốn, ông cho rằng Việt Nam không có thị trường là nhân tố sản xuất, thay vào đó, sự dịch chuyển đang diễn ra bằng mệnh lệnh hành chính. "Chính thế nên nền kinh tế nước ta rất kém năng động", ông nói và nhấn mạnh các ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ mới sẽ bị hạn chế, trong khi những yếu tố mới mẻ này sẽ là yếu tố thúc đẩy cho nền kinh tế.
"Chúng ta đang thiếu thị trường, thừa Nhà nước", ông Cung nhấn mạnh. Theo đó, Việt Nam phải tiếp tục cải cách nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận nói thì dễ, làm mới khó khi vấp phải "tảng đá" mang tên lợi ích nhóm quy mô từ bé đến lớn. "Do vậy, đây chính là việc mà chúng ta phải tập trung tháo gỡ".
Tỷ lệ bất hợp lý về kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân thời gian gần đây được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhưng theo ông Cung, có một con số khiến ông rất nghi ngờ. Số liệu thống kê cho thấy đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP hiện nay chỉ khoảng 9%, tăng khoảng 1% kể từ khi khu vực này bùng nổ khi Luật Doanh nghiệp năm 2000 được đưa vào.
"Tôi tin con số 7% - mức đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP hồi năm 1999, nhưng tôi không tin được con số 9% này", ông nói.
Bởi ông cho rằng khi các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, tích luỹ tài sản... ghi nhận được của khối này rất cao thì việc đóng góp mức rất thấp, chưa đến 10% vào GDP, là điều bất thường. "Nhiều khả năng con số này trong thực tế lớn hơn", ông nhận định và cho biết phía CIEM đang có những ghi nhận, tính toán lại.
Việc thống kê một cách chính xác, theo ông Cung, sẽ góp phần thay đổi những nhận định chính trị. Bởi những nhận định không đúng sẽ trở thành rào cản đối với phát triển nền kinh tế nói chung và khu vực tư nhân nói riêng.
Một điểm đáng lưu ý khác được vị chuyên gia này lưu ý là tốc độ giải thể của doanh nghiệp không ngừng tăng trong thời gian trở lại đây. Bên cạnh việc lý giải xung quanh tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp tư nhân thấp, khiến họ phải đóng cửa, ông đặt ra giả thiết về một sự bất ổn trong tâm lý nhà đầu tư.
"Họ không nói ra những lo lắng nhưng họ hành động bằng cách không đầu tư thêm cái mới", ông nói.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cũng cần quan tâm đến điều hành lãi suất cũng như các vấn đề khác để các doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận tín dụng.