Những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua là đáng ghi nhận
So với thời gian trước, Chính phủ đã đặt trọng tâm và chỉ đạo thường xuyên về cải thiện môi trường kinh doanh, theo nhận xét của TS. Nguyễn Đình Cung. Cụ thể như ban hành Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35.
Sau đó, Thủ tướng cũng đã có cuộc gặp thứ hai với doanh nghiệp và lấy năm 2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp. Riêng trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành tới 14 nghị quyết về đơn giản hoá thủ tục hành chính trên phần lớn các lĩnh vực...
“Đó là những chỉ đạo cụ thể, đồng thời việc liên tục cập nhật đánh giá kết quả đã tạo áp lực lên các Bộ, đặc biệt các Bộ trưởng trong việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ. Tôi thấy đó là điều khác biệt so với trước”, ông Cung nói.
Một khác biệt nữa, theo ông, là từ năm 2017, một số bộ ngành đã có những chuyển biến tích cực so với trước. Ví dụ như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Công thương,… đã có những biện pháp khá cụ thể trong việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp như việc cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh.
Các địa phương cũng có chuyển biến khi có nhiều cuộc gặp gỡ thực chất hơn với doanh nghiệp thay vì nghi lễ như trước cụ thể như mô hình cà phê doanh nhân ở Đồng Tháp đã mở đường cho nhiều địa phương khác.
Do đó, ông Cung nhận định đã có nhiều chuyển động tích cực từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này được cụ thể hoá qua việc trong 2 năm qua, Việt Nam đã tăng vượt bậc trên bảng xếp hạng Doing Business.
Tiếp tục giảm phí cho doanh nghiệp
Viện trưởng CIEM lạc quan cho rằng sang năm 2018 môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục chuyển động thêm. Bởi nhiều cải cách đang trong quá trình thực hiện và nếu hoàn thiện chắc chắn môi trường kinh doanh Việt chắc chắn có bước tiến vượt bậc theo hướng thuận lợi hơn, giảm chi phí hơn, tự do và ít rủi ro hơn.
Để thực hiện được điều đó, ông Cung đưa ra một số giải pháp cụ thể để có thể sử dụng được, để đưa vào những nghị quyết sắp tới của Chính phủ.
Thứ nhất, Việt Nam nên tiếp tục sử dụng chuẩn mực toàn cầu và thực tiễn tốt quốc tế để cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó đo lường xem đang ở đâu để tiếp tục định hướng này.
Thứ hai, ông cho rằng cạnh tranh là động lực chính thúc đẩy nên kinh tế. Do vậy tất cả các giải pháp thể chế, cải cách môi trường kinh doanh đều hướng tới thị thị trường, cạnh tranh công bằng và gia tăng quy mô cạnh tranh để làm tăng hiệu quả của nền kinh tế.
“Muốn vậy, ta phải tăng cường độ trong cải thiện môi trường kinh doanh và tăng áp lực đối với các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các Bộ trưởng và các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thường xuyên theo dõi và đánh giá, ai làm được thì khen, ai không làm được thì phê bình công khai trước công chúng. Trọng tâm của cải cách thì không có gì nhiều hơn ngoài việc như tôi hay nói là thị trường, thị trường và thị trường hơn”, ông Cung nhấn mạnh.
Định hướng của cải cách, như ông nhận định, cạnh tranh là động lực. Như vây, phải làm tăng quy mô và cường độ của cạnh tranh, đồng thời làm cho cạnh tranh công bằng.
“Có hàng loạt giải pháp, nhưng một trong những giải pháp quan trọng là phát triển thị trường, nhân tố sản xuất để cho thị trường đóng vai trò chủ trong phân bố nguồn lực”, ông nói thêm.
Về giải pháp cụ thể, theo ông Việt Nam phải tiếp tục đạt mục tiêu là sang năm 2018 tăng 14-18 bậc trên bảng xếp hạng Doing business, tập trung vào một số chỉ số như khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, đăng ký sở hữu tài sản, bảo hiểm xã hội và phá sản, xử lý tranh chấp hợp đồng và giao chỉ tiêu này cho các đơn vị có liên quan.
Bên cạnh đó, ông Cung cho răngg Việt Nam nên chọn năm 2018 tiếp tục là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. “Tôi cho rằng giảm chi phí cho doanh nghiệp vẫn là trọng tâm của năm 2018. Chúng ta nên có áp lực chỉ tiêu cụ thể để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của nhà nước, đặc biệt là nâng cao hiệu quả của DNNN với tư cách là chủ sở hữu, giao hàng loạt chỉ tiêu và tôi cho rằng nên cải thiện nay chỉ tiêu hiệu quả tài chính của khu vực DNNN”, ông cho biết.
Cuối cùng, theo ông cần phải tập trung vào quyền sử dụng đất và sửa đổi pháp lý để tạo ra nhiều cầu hơn vệ thị trường, về quyền sử dụng đất nông nghiệp. Từ đó thiết lập hệ thống để cho giao dịch giữa cung và cầu một cách thuận lợi hơn. Đồng thời với đó để cho giá cả ở bên cung, cầu tự thoả thuận, không nên có quá nhiều can thiệp hành chính như hiện nay.
“Tôi cho rằng đây là điểm ách tắc đối với chúng ta trong phát triển. Thị trường vốn, thị trường lao động… đã có quy mô nhất định nhưng chúng ta chưa có thị trường về quyền sử dụng đất nông nghiệp và các tài nguyên khác. Cho nên chúng ta phải tập trung xử lý để ít nhất trong 3 năm tới mà trọng tâm của nó là thị trường, quyền sử dụng đất, có như vậy, mới có được bước tiến trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và thúc đẩy trọng tâm thay đổi động lực tăng trưởng của nền kinh tế”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.