"Thời điểm này doanh nghiệp đã gần như mất trắng rồi. Họ đang phải vật lộn để lấy lại sức lực đã hao mòn, họ cần thời gian đủ dài để khôi phục. Thời gian ấy không thể là 5 tháng", TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ quan điểm về chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp Việt hiện tại.
Nếu không "miễn giảm" thì phải gia hạn ít nhất 2 năm
- Chính phủ đã có một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị định 41/2020 NĐ-CP cho phép doanh nghiệp gia hạn 5 tháng một số khoản thuế. Thế nhưng, rất nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng rằng, sự hỗ trợ ấy không chạm vào được thực tế kinh doanh. Vì sao lại có sự lạc nhịp như vậy, thưa ông?
Doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, bất cứ nền kinh tế nào cũng rất lo cái xương sống này bị tổn thương. Vì thế chúng ta đều thấy rất nhiều nước tung ra chính sách cứu trợ doanh nghiệp quyết liệt ngay từ đầu, thậm chí trước việc chống dịch để giảm thiểu mức độ thiệt hại kinh tế, cũng như có thể giúp doanh nghiệp hồi phục nhanh tối đa khi dịch bệnh qua đi. Với Việt Nam, cách chúng ta tháo gỡ khó khăn vẫn còn chậm, mức độ ít và quy mô hẹp so với thiệt hại của doanh nghiệp.
Trong Nghị định 41 có hiệu lực từ 8/4, Chính phủ đã quyết định gia hạn gia hạn 5 tháng tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất. Tuy nhiên, theo tôi, thời gian 5 tháng không thể đủ để doanh nghiệp lại sức sau trận ốm huống chi là khỏe lại. Rất nhiều doanh nghiệp trong những tháng đầu năm hầu như chưa có doanh thu thì việc gia hạn thuế với thời hạn ngắn như thế không có nhiều tác dụng.
- Bộ Tài chính trong góp ý dự thảo nghị định nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh mới đây vẫn bảo lưu quan điểm chỉ 5 tháng. Phải chăng, cơ quan quản lý cho rằng, tình hình doanh nghiệp đã khá hơn nên chưa cần thêm sự hỗ trợ?
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp gần như mất trắng rồi. Họ đang phải vật lộn để lấy lại sức lực đã hao mòn, họ cần thời gian đủ dài để khôi phục.
Về những ý kiến trái ngược, có thực tế là, một chính sách cho ngành, lĩnh vực, Bộ này đề xuất vì doanh nghiệp, nhưng Bộ kia lại bác bỏ vì góc nhìn khác. Chúng ta vẫn còn sự thiếu thống nhất. Rất nhiều yếu tố làm trì trệ, khiến một quyết định không đúng với thời điểm, quy mô để giải quyết vấn đề. Gánh chịu hậu quả không chỉ doanh nghiệp mà có thể là cả nền kinh tế.
- Vậy, với ông, thời gian đủ dài là bao lâu để sự hỗ trợ thực sự hiệu quả?
Thời gian là bao nhiêu thì ta cần xem xét cụ thể nhưng không thể tính bằng tháng được, tối thiểu phải hết năm 2021, tức là 2 năm. Đó là một chu kỳ để doanh nghiệp đủ thời gian đầu tư, phục hồi kinh doanh.
Thậm chí, để giúp doanh nghiệp vượt qua lúc này, quan điểm của tôi là cần nói tới 2 từ "miễn, giảm" thay vì "hoãn, giãn".
Quan trọng là thay đổi tư duy
- Nhìn ở góc độ quản lí nhà nước, giãn thuế dài sẽ ảnh hưởng tới ngân sách và phải trình Quốc hội. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Tôi hiểu lo lắng ấy và cũng biết, thẩm quyền của Chính phủ chỉ quyết định được thời gian gia hạn như hiện tại. Thế nhưng chúng ta đang nói những giải pháp bất thường trong bối cảnh đặc biệt. Ngay lúc này, chúng ta phải tính tới những cách làm như thế, tức là Nhà nước phải là điểm tựa, như vậy mới thực sự hiệu quả.
- Ý ông là chúng ta hoàn toàn có thể báo cáo Quốc hội để điều chỉnh dự toán ngân sách năm nay. Đổi lại, nền kinh tế sẽ được gì, liệu có rủi ro gì với tài khóa không, thưa ông?
Tôi cho rằng ngược lại. Thực chất giãn và hoãn nợ thì Nhà nước, Chính phủ không mất khoản ngân sách ấy, mà chỉ lùi thời gian nộp. Về nguyên tắc, muốn có nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu, tức là để doanh nghiệp sống lại, kinh doanh, đóng góp cho ngân sách thay vì phá sản, không đóng góp được đồng thuế nào.
Ngoài ra, lợi ích kép là doanh nghiệp phục hồi sẽ giúp giảm tình trạng thất nghiệp, ngân sách sẽ giảm bớt được khoản chi hỗ trợ.
- Nhìn rộng hơn, ông có lo với tình cảnh hiện tại, doanh nghiệp Việt vốn đang ốm yếu sẽ hoàn toàn mất sức cạnh tranh trước làn sóng vốn ngoại được dự báo sắp đổ bộ vào Việt Nam?
Mọi thứ đang rất gấp gáp thời điểm này. Doanh nghiệp Việt trước đó đã chưa đủ sức làm đối tác của doanh nghiệp ngoại vì yếu cả về quản trị, công nghệ. Nguyên nhân một phần bởi doanh nghiệp không dám lớn, càng lớn càng rủi ro khi ta có một rừng quy định, thiếu minh bạch và khó tiên liệu.
Vấn đề đầu tiên cần chỉ ra là tư duy. Chúng ta vẫn có tư duy quản lý là kiểm soát, là "quản" chứ không phải thúc đẩy hỗ trợ phát triển. Những năm gần đây ta đã có sự thay đổi nhất định nhưng chỉ là phần ngọn.
Điều ấy cũng giống như cách chúng ta đang gỡ khó cho doanh nghiệp. Nếu không thay đổi nhanh chóng thì không những doanh nghiệp Việt khó có cơ hội bật dậy mà còn mất đi cơ hội trước mắt. Trong hành trình ấy, doanh nghiệp không thể đi một mình được mà luôn cần Nhà nước đứng sau, tạo chỗ dựa, niềm tin./.
- Xin cảm ơn ông!