Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Aus4Reform phối hợp tổ chức ngày 12-7 có nhiều ý kiến đáng chú ý. Trong đó, những ý kiến mang tính cảnh báo của Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung là rất đáng suy ngẫm.
Theo TS Cung, từ đầu năm 2019, Thủ tướng đã thêm vào phương châm hành động của Chính phủ hai chữ “ bứt phá ”. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện nay, dường như chưa có gì thể hiện phương châm “bứt phá” ấy.
Nhớ lại Hội nghị tổng kết trực tuyến của Chính phủ với các địa phương cuối năm 2018, TS Cung cho rằng yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là rất rõ ràng: Năm 2019 phải hơn năm 2018 về mọi mặt.
"Theo tinh thần ấy thì lẽ ra tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh phải tốt hơn nữa nhưng tình hình này thì năm nay khó hoàn thành được yêu cầu”, TS Cung nói.
Theo TS Cung, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong những năm gần đây không cao và cũng khó đẩy lên cao vì những cải cách về thể chế chưa đạt yêu cầu. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng được nói tới rất nhiều. Nhưng cốt lõi của tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng lại nằm ở cách thức phân bổ nguồn lực để nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn.
Tuy vậy, đến nay và có thể là tới hết nhiệm kỳ, phương thức phân bổ nguồn lực chắc cũng chưa thay đổi được cách thức. “Đại hội XII của Đảng nói phải phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường nhưng cho đến nay dường như chưa có một cải cách gì trong thị trường nhân tố sản xuất, phân bố nguồn lực nhà nước”, TS Cung nhận xét.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung .
Ngay như một công cụ cụ thể là xây dựng hàng rào kỹ thuật, TS Cung nói hàng rào kỹ thuật dường như là một rào cản để các doanh nghiệp dù muốn dù không cũng phải vi phạm. “Rào cản kỹ thuật của ta không phải để bảo vệ cái gì đó, mà để tư lợi, để cán bộ, công chức có thể can thiệp vào công việc kinh doanh của DN”, TS Cung thẳng thắn.
Đặt vấn đề về tăng trưởng, TS Cung cho rằng với cơ cấu hiện nay thì dù có tăng trưởng nhưng chưa chắc đã có phát triển. “Hãy nhìn Vĩnh Phúc. Địa phương này đi đầu trong phát triển năm 1997. Nhưng đến nay người dân Vĩnh phúc được cái gì? Cơ cấu kinh tế ở đó như thế nào? Vẫn là một sự chia cắt. Bắc Giang, Bắc Ninh rồi cũng tương tự. Hay Hà Tĩnh với FMS thế thì dân Hà Tĩnh được cái gì?”, TS Cung nêu ví dụ.
Viện trưởng CIEM thừa nhận, với cơ cấu và cách thức hiện nay, tăng trưởng vẫn giúp thu ngân sách cao hơn nhưng vấn đề là người dân bình thường được cái gì. Từ đó, TS Cung đề nghị phải thay đổi từ nền tảng, tư duy. Tăng trưởng không thể chạy theo vài ba năm để rồi không giải quyết được gì. Đánh giá tình hình trong nước và quốc tế không nên như thời gian qua.
“Ta lại đánh giá bên ngoài khó lường, bên trong yếu kém nội tại của nền kinh tế. Tôi có thể thuộc lòng những đánh giá đó vì nó có nhiều năm nay. Hay kiểu đánh giá tái cơ cấu đã đạt được những kết quả bước đầu. Vậy còn bước sau là gì? Ta chưa bao giờ nói rõ”, TS Cung nói.
Một vấn đề về tư duy hoạch định chính sách được TS Cung đề cập là: “Hiện nay có một tư duy rằng tiền của mình cứ đem cho nước ngoài làm. Cứ bảo người trong nước, doanh nghiệp trong nước không làm được. Lạ thế, lạ kinh khủng! Tiền mình đầu tư, mình không sử dụng doanh nghiệp của mình để nâng cao năng lực, tạo việc làm cho xã hội mà lại đi bảo ta không làm được, doanh nghiệp Việt chưa có kinh nghiệm. Đấy là cái tư duy chi phối một số chính sách gần đây”.