TS Nguyễn Đức Độ: Kiểm soát lạm phát là gốc rễ của ổn định kinh tế vĩ mô cho Việt Nam

24/09/2022 16:16
Vị chuyên gia cũng cho rằng, NHNN đang phải đảm nhiệm nhiều mục tiêu cùng một lúc. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ, việc NHNN áp dụng một số công cụ hành chính, trong đó có trần tín dụng, là khó tránh khỏi.

Trong 8 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giữ nguyên lãi suất điều hành bất chấp lãi suất trên toàn cầu tăng nhanh, điều này giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận vốn với chi phí thấp từ NHNN, hỗ trợ người dân doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, ngày 21/9, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75% và dự kiến tăng nữa trong năm 2023. Chỉ số US Dollar Index lập tức vượt trên 111 điểm, là mức tăng cao nhất trong 20 năm trở lại đây. Ngay sau động thái của FED, loạt NHTW trên thế giới cũng có phản ứng tăng lãi suất tương ứng.

Trước bối cảnh đó, để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN cũng đã quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành thêm 1% từ 23/9. Đáng chú ý, đây là lần tăng lãi suất điều hành đầu tiên sau gần 12 năm của NHNN. Lãnh đạo NHNN cho rằng, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu từ nay đến cuối năm.

Để hiểu rõ hơn về bối cảnh kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ hiện nay của Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính).

Thưa ông, lạm phát tại nhiều nền kinh tế đã tăng rất mạnh trong 8 tháng đầu năm 2022. Lạm phát tháng 8 của Mỹ cũng cao hơn dự kiến dù giá năng lượng giảm trở lại. Trong khi CPI của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm chỉ tăng 2,58%. Theo ông lý do nào giúp Việt Nam kiểm soát được lạm phát như hiện nay?

Trong nửa đầu năm 2022, lạm phát tại Việt Nam và nhiều nước khác đều chịu tác động từ sự gia tăng mạnh của giá năng lượng, điển hình là giá xăng dầu, cũng như chi phí vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, giá lương thực, thực phẩm tại Việt Nam khá ổn định nhờ việc chúng ta tự chủ được nguồn cung. Việt Nam cũng tự chủ được nguồn cung đối với nhiều hàng hóa thiết yếu, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng như tại một số nước.

Một lý do khác là dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 đã khiến cho tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam bị suy giảm mạnh. Nền kinh tế hiện nay, mặc dù có tốc độ phục hồi cao, nhưng sản lượng vẫn còn ở dưới mức tiềm năng. Đây là những lý do chính khiến cho lạm phát tại Việt Nam vẫn được duy trì ở mức thấp so với nhiều nước trong 8 tháng đầu năm nay.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên chủ quan với lạm phát, áp lực có thể tăng dần vào những tháng cuối năm. Quan điểm của ông thì sao?

Cho đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2022 ở mức dưới 4% chắc chắn sẽ đạt được. Nhiều khả năng CPI trong năm nay, tính trung bình, chỉ tăng khoảng 3% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là trong 8 tháng đầu năm nay lạm phát cơ bản đang ở mức khá cao, trung bình khoảng 0,4%/tháng, tương đương mức 4,8%/năm. Mặc dù vậy, hiện tại chúng ta chưa rõ lạm phát cơ bản tăng tốc là do yếu tố tiền tệ hay chỉ là tăng bù cho giai đoạn lạm phát thấp khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Nếu nguyên nhân là do nền kinh tế phục hồi mạnh sau đại dịch, lạm phát cơ bản sẽ giảm tốc trong thời gian tới. Nhưng nếu lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức cao trong vài quý tới, thì nguyên nhân có thể là do yếu tố tiền tệ.

Chính sách tiền tệ của Việt Nam có thể nói là đang gặp nhiều áp lực và đứng giữa những lựa chọn khó khăn, vừa muốn kiểm soát lạm phát, vừa muốn ổn định lãi suất, ổn định tỷ giá, thu hút dòng vốn nước ngoài, tăng trưởng kinh tế . Việt Nam nên ưu tiên mục tiêu nào hơn trong bối cảnh hiện nay?

Thực tế tại Việt Nam thời gian qua cho thấy kiểm soát lạm phát là gốc rễ của ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát thấp là tiền đề để ổn định tỷ giá. Lạm phát thấp và tỷ giá ổn định sẽ khuyến khích các dòng vốn trong và ngoài nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh để đạt tăng trưởng cao.

Ngày 21/9, FED đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%. Ngay sau khi FED tăng lãi suất, ngày 23/9, NHNN cũng tăng loạt lãi suất điều hành thêm 1%. Vì sao thời điểm này NHNN mới tăng lãi suất, động thái này có ý nghĩa như thế nào?

Khi can thiệp trên thị trường ngoại hối, khó khăn lớn nhất không nằm ở chỗ NHNN thiếu ngoại tệ hay sợ giảm dự trữ ngoại hối, mà ở chỗ NHNN phải thu VND về và khiến lãi suất tăng lên. Sự gia tăng của lãi suất có thể sẽ khiến cho quá trình phục hồi của nền kinh tế bị chậm lại.

Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm nay nền kinh tế phục hồi khá mạnh, xuất khẩu cũng tăng trưởng cao. Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt mức 6,4%. Quý 3 năm ngoái, nếu không có dịch bệnh, thì GDP đã có thể tăng 6%, nhưng vì xảy ra dịch bệnh nên đã giảm 6%, từ đó tạo nên một khoảng trống giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng khoảng 12%. Quý 3 năm nay, chúng ta có thể kỳ vọng GDP không chỉ lấp được khoảng trống sản lượng 12% nói trên mà còn tăng trưởng thêm 7-8% như trong quý 2 năm nay, tức là GDP quý 3/2022 có thể tăng 19-20% so với cùng kỳ năm trước. Với kịch bản này, khả năng tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt mức 9% là khá cao.

Trong bối cảnh cả mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đều đã nằm trong tầm tay, NHNN có thể sẽ ưu tiên mục tiêu ổn định tỷ giá nhiều hơn so với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới. Việc NHNN tăng lãi suất điều hành, đặc biệt là trần lãi suất ngắn hạn nhiều khả năng là bước chuẩn bị cho việc can thiệp trên thị trường ngoại hối. Khi lãi suất tiền gửi VND tăng, người dân và doanh nghiệp sẽ giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ, từ đó giúp cho việc can thiệp trên thị trường ngoại hối trở nên thuận lợi hơn.

Việc FED tăng lãi suất cũng khiến đồng USD liên tục mạnh lên trên thị trường quốc tế và gây áp lực tới tỷ giá trong nước. Ông đánh giá thế nào về dư địa điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian tới? Nếu để đồng VND mất giá so với USD thì nên mất giá khoảng bao nhiêu trong năm nay?

Kể từ năm 2016 đến nay, Việt Nam điều hành tỷ giá dựa trên sự biến động của một rổ tiền tệ. Trên thực tế, tỷ giá VND/USD biến động cùng chiều với USD Index, nhưng với biên độ hẹp hơn. Chính sách tỷ giá này, theo tôi, là hợp lý vì nó giúp cho tỷ giá VND/USD có được sự ổn định trong ngắn hạn, nhưng không mất đi sự linh hoạt trong dài hạn.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, USD Index đã tăng khá mạnh, khoảng 15%. VND cũng đã giảm giá khoảng 3-4% so với USD trên thị trường chính thức. Diễn biến tiếp theo của tỷ giá VND/USD sẽ phụ thuộc vào 2 biến số chính.

Thứ nhất là xu hướng của đồng Đô la trên thị trường quốc tế. Hiện nay nền kinh tế Mỹ vẫn đang mạnh với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,7%, đồng thời Fed có dự định tiếp tục tăng lãi suất qua đêm lên mức 4,6% để kiềm chế lạm phát. Đây là những yếu tố hỗ trợ cho đồng USD tăng giá. Nhưng mặt khác, nhiều NHTW trên thế giới, điển hình là BoE, ECB cũng đang thắt chặt tiền tệ, còn BoJ cũng đã bắt đầu can thiệp trên thị trường ngoại hối để giữ giá cho đồng yên. Những yếu tố này sẽ giúp hạn chế đà tăng giá của USD thời gian tới.

Thứ hai là mức tỷ giá mục tiêu của NHNN. Trong nhiều năm qua, tỷ giá VND/USD chỉ biến động 1-2%/năm. Năm nay do sức ép lớn từ bên ngoài, nên tỷ giá đã tăng 3-4% trong 8 tháng đầu năm. Nếu NHNN cho rằng ổn định vĩ mô chỉ đạt được khi tỷ giá dao động dưới 4%/năm (như mục tiêu lạm phát), thì trong thời gian tới, NHNN sẽ mạnh tay can thiệp để giá USD trong năm nay không vượt mức 24.000 đồng/USD.

Thời gian qua có nhiều luồng quan điểm khác nhau xung quanh việc NHNN kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% trong năm nay. Có một số ý kiến cho rằng NHNN nên nới mức cao hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của ông thì sao?

Để duy trì lạm phát thấp, giải pháp cốt lõi là phải kiểm soát được tốc độ tăng cung tiền và tín dụng ở mức hợp lý. Trong khoảng 10 năm qua, tốc độ tăng cung tiền và tín dụng tại Việt Nam đã chậm lại đáng kể so với giai đoạn trước đó, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa. Tỷ lệ tín dụng so với GDP, vì vậy, đã tăng từ mức 75% vào năm 2012 lên mức 124% hiện nay.

Nếu tốc độ tăng tín dụng vẫn tiếp tục được duy trì ở mức 14%/năm, còn GDP danh nghĩa chỉ tăng 10%/năm (tăng trưởng 6,5%/năm và lạm phát 3,5%/năm) thì chỉ sau khoảng 5-7 năm nữa tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam sẽ đạt mức của các nước phát triển OECD là 150-160%. Tỷ lệ tín dụng/GDP càng cao thì sức ép đối với lạm phát càng lớn. Tỷ lệ tín dụng/GDP càng cao cũng hàm ý rằng khả năng trả nợ của nền kinh tế càng bị suy giảm.

Theo tôi, quyết định không nới trần tín dụng của NHNN vừa qua là hợp lý, nếu nhìn vào xu hướng của lạm phát cơ bản trong 8 tháng đầu năm 2022 cũng như nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm tới. Để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong tương lai, mức tăng trưởng cung tiền và tín dụng sẽ còn phải giảm dần để tiến tới điểm cân bằng khoảng 10%/năm.

Về trần tăng trưởng tín dụng giao cho các ngân hàng thương mại thì sao. Ông đánh giá thế nào về chính sách điều hành này của NHNN?

Trong lý thuyết hoạch định chính sách kinh tế có một nguyên tắc là: số công cụ chính sách không được phép ít hơn số mục tiêu đặt ra. Điều này cũng giống như khi chúng ta giải một hệ phương trình. Nếu số ẩn số ít hơn số phương trình, thì bài toán sẽ vô nghiệm.

Hiện nay, NHNN phải đảm nhiệm khá nhiều mục tiêu như: kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định tỷ giá, khống chế nợ xấu, đảm bảo thanh khoản và sự an toàn của hệ thống ngân hàng, hướng dòng vốn vào một số lĩnh vực ưu tiên, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, hỗ trợ Bộ Tài chính tái cơ cấu nợ công … Với nhiều mục tiêu như vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, việc NHNN áp dụng một số công cụ hành chính, trong đó có trần tín dụng, là khó tránh khỏi.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới

Xuất khẩu hồ tiêu tăng giá trị đến 48%
19 phút trước
So với cùng kỳ năm trước, dù lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu lại tăng đến 48%.
"Mỏ vàng" giúp Việt Nam hốt bạc từ Á sang Âu: Thu về hơn 211.000 tỷ đồng chỉ trong 10 tháng
21 phút trước
Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này, kế hoạch của Việt Nam đối với ngành kinh tế này chắc chắn sẽ đạt được.
[Trên Ghế 39] ‘Mua xe điện Trung Quốc không có trạm sạc thà mua xe xăng còn hơn, quá nhiều rủi ro'
41 phút trước
Nhà báo Lê Tùng Anh cho rằng, việc mua một mẫu xe điện Trung Quốc không có hạ tầng trạm sạc sẽ không có ý nghĩa gì trong chuyển đổi xanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Khách VIP của Thế Giới Di Động sướng thế nào: dán màn hình chỉ mất 10.000đ, vệ sinh máy lạnh giá 30.000đ, thay lọc nước 20.000 đồng dịp cuối năm này
9 phút trước
Đây là những ưu đãi trong chương trình tri ân đặc biệt của nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam với 1 triệu khách hàng thân thiết dịp cuối năm này.
Cận cảnh phiên bản 2025 của mẫu tay ga được chị em săn đón, giá từ 39,5 triệu đồng
33 phút trước
Bên cạnh nhiều màu sắc mới, Honda Lead 2025 còn được trang bị phanh ABS an toàn.

Tin cùng chuyên mục

Hàng 'made in China' trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế mạnh tay - Quốc gia nào dễ trở thành 'thủ phủ' sản xuất iPhone?
7 giờ trước
Quốc gia châu Á này có thể được hưởng lợi lớn trong các lĩnh vực như điện tử, đặc biệt là sản xuất iPhone.
Giá USD hôm nay 12/11: Thế giới đạt đỉnh 4 tháng, "tỷ giá" chợ đen tăng 50 đồng
1 ngày trước
Giá USD hôm nay 12/11 trên thế giới tăng phi mã, vượt ngưỡng 105 điểm. Trong nước, giá USD ngân hàng bán vẫn bám sát mức trần được nhà nước cho phép; tỷ giá "chợ đen" tăng 50 đồng, hiện đang ở mức 25.570 - 25.670 VND.
Điện máy tung "bình mới rượu cũ"
2 ngày trước
Mới đây, chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động tiếp tục tung ra chính sách "mua trả chậm", được cho là bước tiến mới của mua trả góp.
Sếp Tổng cục Thuế: Sàn Temu đã kê khai thuế nhưng “ghi doanh thu bằng 0”, cơ quan thuế đang giám sát
3 ngày trước
Đây là thông tin mới nhất được lãnh đạo Tổng cục Thuế đưa ra khi trả lời báo chí về xử lý các vấn đề liên quan đến đăng ký mã số thuế và báo cáo doanh thu tự nộp của sàn này ở Việt Nam.