Tối 5/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng 6 thuộc cấp với cáo buộc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", liên quan đến 9 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng của doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông.
Theo kết quả điều tra, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Trước đó, ngày 3/4, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Đây có thể coi là một "cú shock" với thị trường và nhà đầu tư TPDN. Không ít người lo ngại về một sự đổ vỡ dây chuyền của thị trường trái phiếu, vốn có quy mô rất lớn và tăng rất nhanh trong 3 năm qua.
Trao đổi với Nhadautu.vn về vụ việc này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết số lượng trái phiếu Tân Hoàng Minh phát hành bị huỷ khoảng 10.000 tỷ đồng là rất nhỏ so với quy mô thị trường TPDN hiện nay (khoảng 1,15 triệu tỷ đồng). Cùng với đó, Tân Hoàng Minh còn hoạt động bình thường thì sẽ phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, còn trong trường hợp Tân Hoàng Minh phá sản thì các tài sản cũng sẽ được thanh lý theo quy định của pháp luật để trả lại tiền cho các bên.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, cũng cần coi đây là bài học đối với các nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán nói chung và đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ nói riêng. Trước khi ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp mình sẽ đầu tư, dự án được dùng làm mục đích sử dụng vốn. Chúng ta đủ công cụ để tìm kiếm về tính pháp lý, quy hoạch của các dự án trên cổng thông tin các Bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, mọi quyết định đưa ra đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng và nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư đó.
"Về cơ bản cần hiểu rằng, đầu tư theo hình thức nào cũng có rủi ro, quan trọng là chúng ta lượng hoá, cân bằng được giữa lợi ích và rủi ro. Tôi cho rằng hiện nay những người đang than vãn đều chỉ mới là nhà đầu cơ mà chưa phải là nhà đầu tư. Vốn đầu cơ đã rất rủi ro và bài học nào thì cũng đều phải trả giá, có khi bằng tiền, có khi bằng cả mồ hôi và nước mắt", Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh.
Về tác động tới thị trường, ông Kiên cho rằng, việc huỷ 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh là thông tin tốt cho thị trường. Nó thể hiện rõ tín hiệu của cơ quan quản lý là muốn có một thị trường TPDN phát triển minh bạch, bền vững, đi cùng với đó là các doanh nghiệp đủ năng lực, các dự án đủ căn cứ pháp lý. Quy định trong Luật Chứng khoán đã rất rõ ràng, vấn đề của các nhà phát hành trước tiên là phải tuân thủ các quy định của luật. Điều này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Về lo ngại sự đổ vỡ dây chuyền của thị trường bất động sản, ông Kiên chia sẻ, hiện nay NHNN quản lý rất chặt hoạt động cấp tín dụng bất động sản, mỗi ngân hàng sẽ có một trần cho vay bất động sản riêng theo năng lực tài chính. Vì vậy, lo ngại về sự đổ vỡ của thị trường bất động sản, sau đó là ngân hàng là khó có thể xảy ra.
Nói thêm về phản ứng của thị trường chứng khoán trong một vài ngày trở lại đây trước hàng loạt các tin bắt bớ, kỷ luật, ông Nguyễn Đức Kiên nhận định, thị trường, nhà đầu tư thực sự đã rút ra được bài học từ sau những vụ việc như Trần Bắc Hà bị bắt. Chúng ta không có những phiên bán tháo ồ ạt, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã vững hơn nhiều. Và phải hiểu rằng, bắt hay kỷ luật lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan quản lý đều nhằm làm thị trường minh bạch hơn, tốt hơn. Vụ việc cơ bản chỉ liên quan tới những cá nhân có hành vi thao túng, trục lợi từ thị trường không phải là vấn đề nội tại của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, các cơ quan chức năng sẽ có giải pháp để bắt buộc Tân Hoàng Minh phải hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, ông Ngĩa khẳng định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ phát triển sau sự cố Tân Hoàng Minh. Vì mục tiêu cao nhất của cơ quan quản lý là phải bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ niềm tin thị trường và đã cân nhắc rất thận trọng trước khi đưa ra quyết định huỷ bỏ 9 đợt trái của doanh nghiệp này.