Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP quý I/2018 tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Ý kiến của ông về việc này thế nào?
Về mặt con số đây là điều đáng mừng, tuy nhiên có một số điều chúng ta phải quan tâm.
Thứ nhất, những con số đó có cần điều chỉnh gì? Tôi không ghi ngờ con số này bị thổi phồng. Tuy nhiên, nếu có sự đột biến như vậy cần xem lại con số một cách chặt chẽ để bảo đảm là con số thực, không có phần ảo trong đó.
Thứ hai, trong việc tăng trưởng này phải phân tích xem ở phạm vi, lĩnh vực nào. Nếu ở trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp – thương mại tôi cho rất tốt, còn nếu rơi vào lĩnh vực xuất khẩu mà phần lớn việc xuất khẩu là do các công ty FDI thực hiện thì nó đẩy con số tăng trưởng lên nhưng không có lợi cho quốc gia nhiều.
Hiện nay, nhiều công ty FDI họ chỉ dùng Việt Nam như công xưởng sản xuất, họ đem hàng vào chế biến và bán ra ngoài nên không có lợi cho quốc gia nhưng lại đẩy con số lên.
Thứ ba, về chất lượng tăng trưởng. Việc tăng trưởng phải là tăng trưởng thực, giúp người dân có nhiều công ăn việc làm hơn. Việc tăng trưởng phải đi đôi với số lượng việc làm được tạo ra. Hiện nay mình rất ít thông tin về việc có bao nhiêu công ăn việc làm được tạo ra và mất đi trong thời kỳ của tăng trưởng.
Theo tôi, việc tăng trưởng phải giúp tạo công ăn việc làm, chất lượng đời sống cũng phải được cải thiện. Còn nếu tăng trưởng về con số thì đẹp nhưng ở vùng nông thôn thu nhập không tăng, chất lượng đời sống không đảm bảo, môi trường bị hủy hoại… thì tăng trưởng như vậy chỉ là bề mặt để chúng ta vui mừng nhưng thực chất thì nền kinh tế đi thụt lùi.
Tôi xin nhắc lại, việc tăng trưởng GDP là con số đáng mừng nhưng phải xét lại các mặt trên.
Xung quanh việc điều hành kinh tế vĩ mô, hôm qua, Tổ điều hành có họp. Tại cuộc họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2018 là 6,7% và 6,8%. Theo ông nền kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ đạt con số tăng trưởng nào?
Có lẽ con số thấp hơn thì an toàn hơn. Mức tăng 6,7% là phù hợp hơn vì ngoài việc tăng trưởng về con số, cần phải bảo đảm về chất lượng tăng trưởng.
Việc tăng trưởng phải làm cho công ăn việc làm và đời sống của người dân tốt hơn. Vấn đề môi trường phải tốt hơn. Vấn đề an sinh xã hội phải tốt hơn. Số người có công ăn việc làm phải tăng lên thì việc tăng trưởng mới thực chất.
Còn nếu việc tăng trưởng tới mức 6,8 – 6,9% nhưng trên thực tế môi trường bị hủy hoại thì thành ra mình giữ một tỷ lệ 6,7% là phù hợp và phải quan tâm tới chất lượng tăng trưởng.
Vậy nhìn từ sự phát triển của nền kinh tế thời gian qua, ông có thể cho biết, đang có những lực cản nào sẽ kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới?
Có rất nhiều áp lực kìm hãm sự tăng trưởng của GDP. Áp lực thứ nhất là năng lực lao động của người Việt còn thấp. Có nhiều nghiên cứu cho thấy, ngay cả các nước xung quanh như Lào thì năng suất lao động của mình cũng thấp hơn họ.
Rồi thể chế kinh tế của mình vẫn còn ì ạch, vấn đề cơ chế cũng còn nặng nề, vấn đề cấp phép, kinh doanh cũng còn nặng nề. Đặc biệt, vấn đề về tham nhũng, hối lộ còn rất phổ biến… Tất cả những cái đó nó làm trì trệ nền kinh tế.
Thứ ba, hiện nay mình có rất nhiều hiệp định thương mại. Các hiệp định này trong quá khứ cũng giúp Việt Nam nhiều nhưng hiện nay vẫn gặp bao nhiêu rào cản.
Sản xuất thép ra xuất khẩu sang Mỹ bị chịu thuế nhập khẩu lên tới 25%, nhôm 10%. Ngay cả hàng cá tra khi bán sang châu Âu thì bị thẻ đỏ, thành ra, vấn đề xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các thị trường trên thế giới.
Vì thế, mình gặp rất nhiều rào cản từ chất lượng lao động, năng lực lao động, vấn đề tham nhũng và bên ngoài thì thị trường đầy rãy những khó khăn, sắp tới đây có thể nổ ra cuộc chiến thương mại với các nước khác trong đó có Việt Nam, thành ra nó có thể kéo Việt Nam vào vòng xoáy mình không lường trước được. Vì vậy, còn rất nhiều lực cản, chúng ta không nên quá chủ quan để tạo ra một sự hứng khởi quá đáng, mà phải xem xét mặt chưa làm tốt được để tăng cường lên.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!