Tại hội thảo trực tuyến Future Banking 2021 do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, làn sóng COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động khá tiêu cực lên sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính – ngân hàng nói riêng. Song không phủ nhận đó cũng là tác nhân tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn bởi sự cấp thiết của việc duy trì hoạt động lưu thông tiền tệ thường xuyên, liên tục.
Việc ứng dụng công nghệ số giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn.
Vị Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng nhận định, cuộc đua về digital banking đã và đang diễn ra sôi nổi tại Việt Nam. Ứng dụng ngân hàng di động nay đã được nâng cấp lên thành ứng dụng ngân hàng số với đầy đủ tính năng từ mở tài khoản, giao dịch tài chính, đầu tư đến các dịch vụ ngoài tài chính (beyond banking services) như mua sắm, giáo dục, y tế, giao thông…. Dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện. Ngay trong dịch COVID-19, hàng loạt ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online (mà trước đó chưa có) để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu đảm bảo an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng nhận định, trong khoảng 5 năm gần đây, các ngân hàng đã phát triển công nghệ số rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, cần lưu ý, hiện mới chỉ có khoảng 60% người dân có tài khoản ngân hàng, nên với 40% người dân còn lại chưa có tài khoản thì dù có những sản phẩm mới cũng không có ý nghĩa gì. Đa số người dân Việt Nam vẫn còn thói quen dùng tiền mặt, khoảng 80% dân số Việt Nam vẫn dùng tiền mặt như đi chợ, đổ xăng, mua đồ ăn.. trừ một số hoạt động sử dụng thanh toán phi tiền mặt như đi siêu thị, mua vé máy bay,...
Vị chuyên gia cho rằng, để khỏa lấp khoảng trống đó, tiền di động sẽ thúc đẩy thanh khoán không dùng tiền mặt, hướng đến 40% người dân chưa có tài khoản ngân hàng, giúp người dân ở vùng sâu vùng xa, không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể dùng điện thoại để thanh toán trực tuyến.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng lưy ý, khi Mobile Money được triển khai, cần kiểm soát các chức năng của Mobile Money. Theo đó, Chính phủ cần kiểm soát để không cho nhà mạng triển khai các sản phẩm dịch vụ liên quan đến cấp tín dụng, cho vay,...Số tiền người dân gửi vào Mobile Money phải được để nguyên đó và dùng cho thanh toán. Điều này sẽ góp phần tránh rủi ro cho nền kinh tế, hệ thống tiền tệ. "Không nên trao cho nhà mạng chức năng tạo tiền - chức năng mà chỉ ngành ngân hàng được có hiện nay", ông nói.
Mới đây, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 ngày 2/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã cho biết thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ (Mobile-Money), Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được 3 đơn vị đăng ký triển khai hoạt động mobile money, đó là: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Có tới 3 Bộ cùng tham gia quản lý hoạt động gồm Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an vì đây là hoạt động phức tạp, đòi hỏi phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng, cho người dân cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán.
Theo Phó Thống đốc, về cơ bản đã thống nhất và hy vọng trong tháng 10, 3 Bộ sẽ thống nhất hồ sơ của các đơn vị này. Khi đủ điều kiện và được sự thống nhất chung của 3 Bộ, sẽ quyết định cho cấp phép để 3 đơn vị triển khai dịch vụ này.