Chia sẻ trong buổi nói chuyện gần đây về các giải pháp tiền tệ, tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua COVID-19 có một đề xuất đáng lưu ý rằng: "Đã tới lúc chúng ta cần vay của tương lai để sống ở hiện tại và xây dựng tương lai". Nói vậy để thấy, cả thế giới, cũng như Việt Nam đang phải đối mặt với tình huống hết sức đặc biệt, nhiều nước đã tung các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế lên tới hàng hàng nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 20-30% GDP.
Trước những số liệu đáng lo ngại về tăng trưởng kinh tế quý 3 năm 2021 và con số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường lần đầu tiên trong lịch sử thống kê lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được đề xuất. Trao đổi với Nhadautu.vn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng đưa đề xuất một tổ hợp tín dụng 300.000 tỷ dưới sự hợp sức của các ngân hàng thương mại và sự bảo lãnh của một Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia quy mô khoảng 30.000 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ông đánh giá gì về những gói hỗ trợ của Chính phủ nhìn từ chính sách tiền tệ cho tới thời điểm hiện tại?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta phải ghi nhận rằng, hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực trong việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất từ 1-3%. Trong 8 tháng đâu năm, ước tính ngân hàng đã giảm lãi suất khoảng 25.000 tỷ. Cả năm 2021, mức giảm lãi suất có thể lên tới 50.000 nghìn tỷ. Các ngân hàng có thể phải hy sinh từ 10-15% lợi nhuận ròng trong hoạt động cho vay để giảm lãi suất.
Tuy nhiên những con số kể trên vẫn chưa thấm vào đâu với tình hình khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp trong bối cảnh theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, năm 2021 Chính phủ chưa có những gói hỗ trợ đáng kể nào cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất nghĩa là vẫn còn trả được nợ. Còn hàng trăm nghìn doanh nghiệp ngoài kia đang vật lộn để giữ chân người lao động, cố duy trì phần nào hoạt động sản xuất nhưng lại không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Như vậy, nền kinh tế rất khó để sớm phục hồi trở lại.
Vậy theo ông giải pháp nào để giải bài toán tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đặc biệt như thời điểm hiện tại?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có lẽ Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia là lời giải cho mọi vấn đề mà cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đang vướng mắc. Theo đó, Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp để các ngân hàng với số vốn điều lệ của quỹ khoảng 30.000 tỷ đồng để các ngân hàng cấp tín dụng ra nền kinh tế khoảng 300.000 tỷ đồng với điều kiện cấp tín dụng dễ dàng hơn so với tiếp cận vốn ngân hàng.
Chính phủ cần đưa ra một kế hoạch chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thành lập một tổ hợp tín dụng mà tất cả các ngân hàng đều phải tham gia với số dư nợ tối thiểu mỗi ngân hàng cần cung cấp cho quỹ là khoảng 3%/tổng dư nợ. Mục tiêu chính của tổ hợp không phải là lợi nhuận, mà là hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì tác động của đại dịch.
NHNN và Hiệp hội ngân hàng sẽ đứng ra làm đầu mối xây dựng một quy chế chung cho tổ hợp, các quy định về cấp tín dụng cho những đối tượng nào, điều kiện ra sao, với lãi suất ưu đãi chỉ từ 3-5% với thời gian vay ưu đãi 5 năm.
Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp để các ngân hàng với số vốn điều lệ của quỹ khoảng 30.000 tỷ đồng để các ngân hàng cấp tín dụng ra nền kinh tế khoảng 300.000 tỷ đồng với điều kiện cấp tín dụng dễ dàng hơn so với tiếp cận vốn ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Về cơ bản, đây không phải một tổ hợp tín dụng dành cho doanh nghiệp lớn mà là dành cho những doanh nghiệp nhỏ đang lao đao vì đại dịch - chiếm khoảng 60% lao động. Các tiêu chỉ có thể dựa trên đóng góp vào GDP của từng lĩnh vực, sử dụng bao nhiêu lao động, đóng vai trò ra sao trong xuất khẩu và là những doanh nghiệp cần thiết cho tương lai như CNTT, Fintech…. Cho vay các doanh nghiệp này là cho vay tín chấp và được Chính phủ đứng ra bảo lãnh.
Các ngân hàng cũng không quá thiệt thòi trong việc cấp tín dụng cho tổ hợp này. Vì thanh khoản hệ thống đang rất tốt, trong nguồn vốn huy động luôn có nguồn huy động lãi suất rất thấp là vốn casa (gồm tiền gửi không kỳ hạn và tiết kiệm không kỳ hạn), chiếm khoảng 20% trên tổng vốn huy động. Cho vay với dư nợ 3% lãi suất thấp là việc các ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể cân đối được.
Thực tế, thời điểm hiện tại hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp là các ngân hàng cũng đang tự cứu chính mình. Tuy nhiên, vì vướng các quy định ngặt nghèo trong cho vay nên các ngân hàng rất lo ngại rủi ro. Khi có Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, ngân hàng sẽ không còn e ngại để cho vay với các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp.
Đến thời điểm hiện tại, giảm lãi suất, giãn hoãn nợ chỉ có thể coi là giải pháp tình thế. Các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương dù đã được cấp cơ chế nhưng vì tổng mức bảo lãnh tín dụng của một Quỹ bảo lãnh địa phương không được vượt quá 3 lần vốn điều lệ, mà vốn điều lệ tối thiểu chỉ 100 tỷ đồng nên đa phần các quỹ này đều có vốn điều lệ rất khiêm tốn không đủ sức bảo lãnh các món vay.
Chính phủ cần có một giải pháp chưa có tiền lệ, mang tính đột phá trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát và thế giới đã bắt nhịp với giai đoạn mới. Quốc hội cũng đã cấp cho Chính phủ một cơ chế đặc biệt trong tình huống giải quyết COVID.
Đây là thời điểm thích hợp để thành lập một Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, không cần thông qua Quốc hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục, quang trở lại hoạt động sản xuất trong bình thường mới.
Xin cảm ơn ông!