Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý IV/2017 của VEPR, tính đến 15/12/2017, tổng thu ngân sách chỉ đạt 1.104 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 88% dự toán và chiếm 78,9% tổng thu. Hai khoản mục thu từ dầu thô và thu cân đói ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu hầu như không thay đổi so với năm 2016.
Trong khi nguồn thu chưa thấy có sự cải thiện thì chi ngân sách đã đạt 1.219,5 nghìn tỷ động, dẫn tới thâm hụt ngân sách 115,5 nghìn tỷ đồng. Chỉ thường xuyên vẫn ở mức cao, chiếm 70,7% tổng chi. Điều này phản ánh sự thiếu cân bằng trong tổng chi khi nguồn lực cho tăng trưởng dài hạn như đầu tư công bị hạn chế, trong khi nhu cầu ngắn hạn là chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Nhất thiết phải tinh giản bộ máy
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng, cho rằng bộ máy cồng kềnh, tốn kém chính là một nguyên nhân lớn dẫn đến bội chi ngân sách. "Tôi đồng ý kiểm soát chi thường xuyên và giảm thiểu số công chức", vị tiến sĩ nhận định.
Thực tế, số lượng công chức, viên chức hiện nay vào khoảng 2,8 triệu người. Trong khi đó, nước Mỹ có diện tích gấp 30 lần, dân số gấp 3,5 lần nước ta nhưng chỉ có 2,1 triệu người trong bộ máy Nhà nước. Số lượng công chức từ cấp Thứ trưởng trở lên của Việt Nam năm 2016 là 158 người trong khi con số này ở Nhật Bản và Mỹ lần lượt là 33 và 31 người.
Hơn 2 triệu công viên chức cộng với số người hưu trí, người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách Nhà nước là khoảng 7,5 triệu người. Do đó, toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách lên tới 11 triệu người, bằng 11,5% dân số.
Theo ông Hiếu, khi một đất nước phát triển thì nhu cầu nhân lực cho nhiều lĩnh vực từ xã hội, kinh tế đến quân sự, quốc phòng đều tăng theo. "Giảm là khó nhưng phải kiểm soát được để có một mức tăng trưởng hợp lý", ông nói thêm.
Nhiều vấn đề tiêu cực làm mất cân đối ngân sách
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nguyên nhân thứ hai góp phần gây bội chi ngân sách là các vấn đề tiêu cực như thất thu thuế, tham nhũng hay chi đầu tư hoang phí.
Năm 2016, các doanh nghiệp nợ thuế là 74,1 ngàn tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2017, con số này lên đến 73,9 tỷ đồng. Ngoài ra, các hoạt động buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái... cũng gây thất thoát thuế không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước cũng bị ảnh hưởng bởi những dự án đầu tư không hiệu quả. Ví dụ trong lĩnh vực giao thông, theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thực hiện từ tháng 11/2008 tới tháng 11/2013, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Tuy nhiên, do chậm tiến độ nên tổng vốn đầu tư của dự án đã tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.
Muốn tăng thuế, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm giải trình
Bàn về đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính, ông Hiếu cho biết: "Tôi đồng ý với Bộ Tài chính là thuế VAT phải tăng. Thế nhưng Bộ Tài chính phải giải trình cho tất cả quốc dân biết việc tăng thuế như vậy tác động tích cực thế nào đến ngân sách quốc gia. Nếu tăng từ 10% lên 12% thì mỗi năm đóng góp cho ngân sách quốc gia là bao nhiêu". Theo ông Hiếu, không chỉ thuế VAT mà bất cứ loại thuế nào khi muốn tăng đều cần có lý giải hợp lý của Bộ Tài chính. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần đưa ra các biện pháp kiểm soát thất thu thuế để kiểm soát tốt hơn tình hình bội chi ngân sách.
Trước đó, nhiều chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp đã lên phản đối đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính. Nhiều bộ ngành cũng góp ý với Bộ Tài chính cân nhắc thật kỹ về đề xuất này.