Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chuẩn bị công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam 2018: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng do TS. Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng nhà trường, và TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học là đồng chủ biên. Nội dung trọng tâm của ấn phẩm là đánh giá nền kinh tế, hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng. Xoay quanh sự kiện này, PGS. TS. Tô Trung Thành đã chia sẻ về các kết quả quan trọng của nghiên cứu.
Thưa ông, ngân sách Nhà nước (NSNN) là vấn đề được chú trọng, vậy nhóm nghiên cứu đánh giá thế nào về quy mô thu ngân sách của nước ta hiện nay?
Chúng tôi nhận thấy rằng trong những năm gần đây quy mô tương đối của NSNN giảm rõ rệt. Thu ngân sách từ mức gần 30%GDP trong nhiều năm đã hạ xuống khoảng hơn 23% GDP giai đoạn 2015-2018. Tuy nhiên quy mô vẫn cao hơn tương đối so với các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp cũng như các nước ASEAN.
Ngoài ra, chúng tôi ước lượng quy mô thu ngân sách hợp lý của Việt Nam (với đặc điểm về thể chế, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, điều kiện tự nhiên, xã hội….) là khoảng 23-24% GDP. Theo đó, quy mô NSNN của Việt Nam giai đoạn gần đây đã sát với mức hợp lý hơn, nhất là trong giai đoạn 2013-2016. Tuy vậy, từ 2017-2018, quy mô thu lại tăng cao hơn mức quy mô hợp lý khoảng 8-10%.
Quy mô thu ngân sách cao có thể ảnh hưởng đến tiết kiệm của khu vực tư nhân, làm giảm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực này. Gánh nặng thuế cao có thể khuyến khích các hành vi gian lận, trốn thuế; và là môi trường tốt cho các hành vi tham nhũng của những người thực thi công vụ khi mà thỏa thuận cho gian lận và trốn thuế có lợi hơn nhiều nộp thuế. Quy mô thu ngân sách cao còn có bất lợi là Chính phủ còn ít không gian để có thể giảm thâm hụt ngân sách qua tăng thuế.
Quy mô thu ngân sách đã ở mức cao, khó có thể gia tăng thêm, dẫn đến việc chính phủ không có đủ nguồn ngân sách để tài trợ cho các hoạt động dịch vụ công. Điều này buộc các địa phương và một số cơ quan quản lý nhà nước phải tự tìm nguồn tài chính để bù đắp. Đây cũng là một lý do giải thích việc tồn tại nhiều khoản thu không thuộc cân đối NSNN. Rủi ro lạm dụng chính sách xã hội hóa dịch vụ công làm tăng gánh nặng của xã hội với các khoản nộp bắt buộc khi sử dụng dịch vụ.
Trong cơ cấu thu ngân sách, nhóm nghiên cứu thấy vấn đề gì cần phải lưu ý?
Cơ cấu theo nguồn cho thấy số thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa hiện đang là nguồn thu đóng góp chính vào NSNN cũng như có tốc độ tăng lớn nhất trong số các khoản thu. Vai trò tăng lên của thu nội địa cho thấy thâm hụt ngân sách có nguy cơ tăng khi kinh tế gặp khó khăn, theo đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của thu NSNN.
Trong thu nội địa có một nhóm các khoản thu giữ vai trò rất quan trọng là thu từ nhà đất (13,8% trung bình giai đoạn 2016-2018), tuy nhiên chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm này lại là một khoản thu có tính chất một lần là thu từ giao quyền sử dụng đất. Khi thu NSNN vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên không thể tái tạo thì nền kinh tế dễ bị rơi vào một tình trạng được gọi là "căn bệnh Hà Lan".
Cơ cấu thu nội địa theo các thành phần kinh tế cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ trong đóng góp từ các Doanh nghiệp Nhà nước. Tỷ lệ đóng góp ngân sách của khu vực doanh nghiệp FDI có xu hướng giảm đi (một phần do các hoạt động chuyển giá).
Tỷ lệ thu NSNN từ khu vực kinh tế tư nhân tăng lên trong giai đoạn từ 2006-2018 nhưng vẫn chưa tương xứng với tỷ lệ của nhóm này trong GDP, một phần là do tình trạng trốn thuế ở khu vực này diễn ra phổ biến. Điều này cho thấy quá trình cổ phần hóa DNNN sẽ cần phải đi cùng với cải thiện hiệu quả thu ngân sách ở khu vực kinh tế tư nhân nếu không muốn sự sụt giảm nguồn thu NSNN trong tương lai.
Có nhiều đề xuất rằng để thu được ngân sách thì tăng thuế cần được ưu tiên hàng đầu, vậy ông đánh giá thế nào về tác động của các dự kiến tăng thuế đến nền kinh tế?
Hiện nay, tỷ trọng thu NSNN từ thuế VAT, thuế TNDN và thuế XNK của Việt Nam hiện đã cao hơn mức trung bình của các nước đang phát triển châu Á, nên những đóng góp từ nguồn thuế này khó có thể tiếp tục tăng lên. Hiện mức đóng góp của VAT so với GDP của Việt Nam năm 2016 đã là 5,8% nên sẽ không dễ dàng tăng nguồn thu ngay cả khi tăng thuế suất do việc điều chỉnh hành vi tiêu dùng giữa các loại thuế.
Chỉ có một số loại thuế mà tỷ lệ trong tổng thu NSNN ở Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình các nước đang phát triển châu Á. Đây chính là những sắc thuế mà Việt Nam có thể kỳ vọng tăng thu trong tương lai để đàm bảo nguồn thu bền vững, bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên và thuế với bất động sản.
Trước bối cảnh nguồn thu thiếu bền vững nêu trên, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật thuế theo hướng tăng mức thuế của nhiều sắc thuế. Câu hỏi đặt ra là liệu những sửa đổi tăng mức thuế thực sự có thể cải thiện nguồn thu NSNN và tác động tích cực đến nền kinh tế?
Dựa vào bảng cân đối liên ngành I-O cập nhật, nhóm tác giả đã nghiên cứu tác động của dự kiến tăng thuế VAT và thuế tiêu thụ ở một số ngành: i) Đường, mật: VAT tăng từ 5% lên 6%; ii) Rượu các loại: Thuế TTĐB tăng từ 60% lên 65%; iii) Bia: Thuế TTĐB tăng từ 60% lên 65%; iv) Đồ uống không cồn, nước khoáng: Thuế VAT: 10-12% (2%); Thuế TTĐB: 0-10% (10%) đến tăng trưởng và thu ngân sách.
Kết quả cho thấy; tổng giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế giảm 0,21%, GDP giảm 0,17% và ở chu kỳ sản xuất sau, thu ngân sách từ thuế gián thu có thể giảm khoảng 0,14%. Trong trường hợp không thể tăng giá, doanh nghiệp sẽ giảm lợi nhuận, theo đó, làm giảm về giá trị sản xuất không chỉ của các ngành trực tiếp bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế mà các ngành khác của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Từ đó dẫn đến giá trị tăng thêm của các ngành giảm và tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,16%, GDP giảm 0,13% và thu ngân sách từ thuế gián thu giảm 0,091% ở chu kỳ sản xuất tiếp theo.
Như vậy, dự kiến tăng thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt ở một số ngành trong thời điểm hiện nay có thể chưa phải là giải pháp tốt nhất, không những có thể làm giảm thuế gián thu mà còn chưa có tác động hỗ trợ tăng GDP và tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của nền kinh tế.
Vậy các ông khuyến nghị gì về vấn đề này?
Chúng tôi thấy rằng cần cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng cần được coi là quan điểm chủ đạo.
Do vai trò hạn chế của thuế liên quan đến tài sản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và nông nghiệp, nên trong thời gian tới, Việt Nam cần nỗ lực để có thể ban hành loại thuế tài sản phù hợp thay vì tăng các loại thuế đánh vào tiêu dùng.
Bên cạnh đó phải rà soát lại chính sách miễn giảm thuế với các DN, nhất là DN FDI và công bố công khai cho người dân biết, trên cơ sở đó tính toán được phần thuế bị mất đi do miễn giảm thuế. Chính phủ cũng cần tiếp tục tăng cường quản lý thuế nhằm chống thất thu ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và khu vực FDI.
Cũng cần lưu ý rằng, nguồn thu ngân sách không phải là thuế đang ngày càng tăng. Nguồn đóng góp lớn nhất trong số này là mục khác trong thu thường xuyên và thu về vốn. Về bản chất, các khoản thu này là tiền bán tài sản (chủ yếu là đất), đây là nguồn thu rất không bền vững. Trong tương lai gần, nguồn thu này sẽ nhanh chóng cạn kiệt và ngân sách nhà nước sẽ bị thâm hụt hơn nếu không có phương án cắt giảm chi tiêu hiệu quả và tìm nguồn thu bền vững hơn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!