Tiềm năng là rất lớn...
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết Bộ Công thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió ở một số địa phương.
Theo đó, dự kiến đến năm 2030: Cà Mau có thể phát triển 3.607 MW; Bình Thuận – 2.500 MW; Ninh Thuận – 1.409 MW; Trà Vinh – 1.608 MW; Sóc Trăng – 1.470 MW.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các chuyên gia của GIZ (Đức) đang nghiên cứu lập Quy hoạch phát triển toàn quốc, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.
Đối với năng lượng mặt trời, ông Vy nói rằng với khí hậu nhiệt đới, nguồn năng lượng mặt trời có thể sử dụng được hầu như trong năm với số giờ nắng bình quân trong năm từ 1.800 – 2.600 giờ.
Việt Nam cũng có nguồn năng lượng mặt trời có cường độ bức xạ mặt trời trung bình ngày trong năm của cả nước khoảng 4,6kWh/m2/ngày – mức tốt so với bình quân toàn thế giới.
“Thời gian gần đây nhiều địa phương và các doanh nghiệp đã nghiên cứu đẩy mạnh phát triển các dự án điện mặt trời”, ông Vy nói.
Về năng lượng sinh khối, vốn là các dạng năng lượng có nguồn gốc từ các chất hữu cơ, tiềm năng cũng lớn. Ví dụ năng lượng từ nguồn gỗ, củi của Việt Nam hiện nay khoảng 32 triệu tấn, tương đương 11,6 triệu TOE (Ton of Oil Equivalent – tương đương với 1 tấn dầu) hay tổng nguồn phế thải nông nghiệp khoảng 80 triệu tấn, tương đương 17,6 triệu TOE…
Ghi nhận lại, ông Vy nhận định tiềm năng nguồn năng lượng sinh khối của Việt Nam hiện nay khoảng 60 triệu TOE.
Mặt khác, Việt Nam cũng có các dạng năng lượng tái tạo khác như thuỷ điện, địa nhiệt, năng lượng đại dương… với nhiều tiềm năng lớn, theo ông Vy.
Dồi dào nhưng sử dụng ra sao?
“Cái gì Việt Nam cũng có nhiều nhưng điều đáng nhấn mạnh là dường như các cơ chế, chiến lược phát triển của chúng ta đang có vấn đề”, TS. Trần Đình Thiên bình luận sau tham luận của ông Nguyễn Văn Vy.
Bởi theo ông Thiên, bức tranh năng lượng của Việt Nam cái gì cũng có, từ năng lượng mặt trời, gió, sóng biển với tiềm năng dồi dào, gợi cả giác “sắp huy hoàng đến nơi”. Tuy nhiên, những năng lượng này muốn khai thác phải có công nghệ trong bối cảnh thế giới đang đi rất nhanh, thay đổi liên lục.
“Vậy Việt Nam có cần làm nữa không, nếu làm thì cơ chế nào để cạnh tranh với thế giới?”, ông Thiên đặt ra vấn đề trước bức tranh tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo của đất nước.
Theo đó, ông cho rằng cần phải có quy hoạch cụ thể, định hướng cụ thể, hiệu quả mà trong đó, phải bỏ đi cách tiếp cận chỉ có Nhà nước mới được làm. “Cần đưa ra đề án dựa vào chiến lược của doanh nghiệp”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.