Ngày 23/12, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) tổ chức diễn đàn “Dự báo thị trường bất động sản 2023”.
Phát biểu đề dẫn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong năm 2022 đã có nhiều giải pháp ngắn, trung và dài hạn để hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững trong năm 2023.
Cụ thể, Luật Đất đai sửa đổi và một số luật liên quan sẽ được đảm bảo thống nhất, thông qua trong năm 2023.
Đồng thời, trong 3 ngày liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản gồm: Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế"; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 "về thị trường trái phiếu doanh nghiệp"; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 "về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở".
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.
"Những động thái trên không chỉ góp phần "phá băng" thị trường bất động sản, giúp bất động sản thanh khoản trở lại, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, mà còn hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, giúp người lao động có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng hơn trong thời gian tới", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của thị trường bất động sản: "Bất động sản không chỉ đóng góp 5% GDP mà còn là khả năng lan toả tới các ngành nghề các trong nền kinh tế; và khả năng tác động mạnh mẽ lên thị trường tài chính".
Trao đổi về bối cảnh chung của kinh tế thế giới và Việt Nam, ông Thiên cho biết, thế giới còn đang đối với rất nhiều khó khăn, Việt Nam với độ mở nền kinh tế lớn nên nền kinh tế thậm chí sẽ còn khó khăn hơn.
Việt Nam hiện đang phải đối mặt với 3 "cơn gió nghịch chiều" gồm: Một là lạm phát đang tăng; Mỹ vẫn tếp tục phải chống lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Điều kiện tài chính xấu đi theo tốc độ tăng của tỷ giá, lãi suất khiến giá vốn tăng nhanh. Thứ 2 là các dòng vốn chu chuyển đang chưa thật rõ ràng. Thứ 3 là tăng trưởng thế giới suy giảm, kéo theo xuất khẩu của Việt Nam suy giảm. Trong khi Việt Nam định hướng là một nước xuất khẩu, nên việc suy giảm của thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng lớn tới sản xuất trong nước, lợi nhuận doanh nghiệp. Đáng chú ý hơn cả là hiện nay chỉ số PMI (Quản lý sức mua) đã bắt đầu suy giảm cho thấy đơn hàng xuất khẩu đang giảm, điều này rất đáng lo ngại.
"Nghịch lý của Việt Nam hiện nay là lạm phát thấp, tăng trưởng lại cao. Tăng trưởng cao nhưng thị trường chứng khoán lao dốc, dòng tiền không được lưu thông, doanh nghiệp không có vốn để hoạt động. Kéo theo đó là nguy cơ khủng hoảng lòng tin", ông Thiên nói.
Theo đó, cần những giải pháp mạnh cho kinh tế giống như thời điểm chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực y tế. "Cần có những giải pháp "tuỳ biến" thay vì theo quy trình để giải các vấn đề vướng mắc của nền kinh tế thời điểm hiện tại", ông Thiên nói.
TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, Việt Nam chưa có lạm phát nên không phải sợ lạm phát. "Đừng quá sợ lạm phát, cần bơm tiền ra để giải cơn khát cho nền kinh tế. Chúng ta phải có thái độ khác với lạm phát để có vốn tiếp máu cho doanh nghiệp, nền kinh tế".
Ông Thiên cho rằng, quan điểm về ổn định kinh tế vĩ mô cần được làm rõ. Ổn định vĩ mô trước tiên là lạm phát đạt mục tiêu nhưng thứ 2 là doanh nghiệp phải "sống" được, nghĩa là phải có tiền để duy trì hoạt động, nếu không cũng sẽ "loạn", cũng gây bất ổn nền kinh tế.
Như vậy, có thể hiểu ổn định vĩ mô cũng hàm nghĩa là doanh nghiệp cần có tiền để vận hành. Ông Thiên nhận định, bơm vốn cũng là cách có thể giúp giảm nợ xấu. Vì rất nhiều dự án mắc kẹt, không có tiền để tiếp tục triển khai, hoàn thiện, dẫn tới không đủ điều kiện vay ngân hàng. Khi có dòng tiền sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn nêu trên, từ đó giảm bớt được nợ xấu.
Về cơ bản, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2023 kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục điểm sáng của kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, môi trường vĩ mô ổn định. Thị trường bất động sản cũng vì thế sẽ có xu hướng tích cực lên.