Tại tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 13/12, các chuyên gia đã trao đổi và đưa ra các kiến nghị để giải quyết các điểm nghẽn trên thị trường vốn cho doanh nghiệp.
Về lý do thiếu vốn trong nền kinh tế, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng hiện nay tiền trong nền kinh tế là không vấn đề chủ yếu là do nghẽn các kênh dẫn vốn.
Chuyên gia đưa ra một ví dụ dễ hiểu về tình trạng thiếu vốn hiện nay đó là nền kinh tế hiện nay như một đám ruộng khô đang nằm cạnh hồ nước lớn. Mặc dù không thiếu nước, song các kênh dẫn nước vào ruộng bị nghẽn nên ruộng vẫn cứ khô.
"Các kênh dẫn nước từ hồ chảy vào ruộng đang bị nghẽn. Do đó, nước không thiếu nhưng ruộng vẫn cứ khô, tiền không thiếu nhưng vốn thì không có", TS. Trần Du lịch phát biểu.
Đánh giá về mức độ lan tỏa dòng vốn đến nền kinh tế sau khi Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng), chuyên gia cho rằng điều này sẽ giúp một phần vốn chảy vào nền kinh tế.
"Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức nới room tín dụng cho những ngân hàng không chạy đua lãi suất, không tăng lãi suất cho vay, được tăng thêm 1,5%-2% tổng dư nợ tương đương khoảng 200.000 tỉ đồng. Như vậy, nước trong hồ sẽ chảy một phần qua ruộng để giải tỏa ‘hạn hán’", TS. Trần Du Lịch nhận định.
Chuyên gia nói thêm, nếu tổ xử lý điểm nghẽn của thị trường bất động sản tháo gỡ được thủ tục hành chính của những dự án, điều này cũng sẽ tạo thêm kênh dẫn vốn tiếp theo.
Bên cạnh đó, các định chế tài chính và cơ quan chức năng hữu trách cũng phải nỗ lực tiếp tục triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ về cơ chế bù lãi suất 2% và hỗ trợ những đối tượng có thể vay được. Đồng thời, cũng phải có biện pháp chung tổng thể để phối hợp cả chính sách tiền tệ và chính sách tài chính.
Đặc biệt, cần sớm sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phải xem trái phiếu doanh nghiệp là kênh rất quan trọng để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn trung và dài hạn, đồng thời giảm đi gánh nặng vốn cho các ngân hàng thương mại.
"Những giải pháp đồng bộ như vậy, cần tiến hành nhanh chóng. Dần dần, nước trên hồ sẽ chảy được xuống ruộng. Tôi tin, từ giờ trở đi sẽ bắt đầu có nước chảy vào ruộng nhiều hơn", TS. Trần Du Lịch nhận định.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, tại chương trình cũng cho biết, việc NHNN quyết định nới thêm room tín dụng 1,5-2% đã nâng tổng tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng cả năm 2022 lên 15,5-16%. Năm nay, tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế cũng tương đối lớn. Tuy nhiên, việc nới room tín dụng là rất tích cực, vì nhiều hồ sơ, công trình, dự án đang dở dang, trong khi các kênh dẫn vốn lại đang tắt nghẽn.
Cụ thể, chuyên gia cho rằng doanh nghiệp hiện nay cũng đang rất cần vốn, đặc biệt dịp cuối năm và trước Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó, chi phí năm nay của doanh nghiệp được đội lên rất lớn, nhu cầu vốn đã tăng thêm từ 7-14%.
Cùng lúc đó, các kênh huy động vốn lại rất khó khăn, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm trước. Việc huy động vốn của nhóm bất động sản trên thị trường này cũng đặc biệt khó khăn hơn.
Đầu vào về vốn đã khó, đầu ra về sản phẩm của doanh nghiệp địa ốc cũng đang gặp phải không ít rào cản. Chuyên gia đánh giá, khó khăn nhất với các doanh nghiệp địa ốc vẫn là pháp lý. Theo đó, tổng giá trị bất động sản gặp phải các rào cản pháp lý chỉ riêng ở TP.HCM và Hà Nội là đã gần 30 tỷ USD.
Chuyên gia khuyến nghị bên cạnh tín dụng cũng cần nhanh chóng giải quyết tắt nghẽn ở các kênh dẫn vốn khác. Ngoài ra, cũng cần sớm sửa Nghị Định 65 để để tháo gỡ khó khăn cả về cung và cầu cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
"Với lượng vốn tín dụng trên chưa thể đáp ứng được, sẽ cần phải khơi thông các dòng vốn khác", ông Lực nhận định.