Ngày 27-28/6, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam đã tổ chức hội nghị quốc tế "Diễn dàn Dệt may Việt Nam 2018". Tại sự kiện này, nhiều doanh nghiệp và tổ chức đã có những trao đổi thẳng thắn liên quan đến chính sách của nhà nước.
Nghi ngại ô nhiễm từ dự án dệt nhuộm
Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cho rằng, nhiều địa phương tỏ ra không muốn cho doanh nghiệp ngành dệt nhuộm đầu tư vì lo ngại các yếu tố tác động đến môi trường.
"Muốn tạo ra các nguyên phụ liệu dệt may thì phải phát triển ngành dệt nhuộm. Nhưng nhiều địa phương không muốn nhận đầu tư từ doanh nghiệp dệt nhuộm vì lo ngại các tác động đến môi trường. Giải bài này thế nào? Chính phủ làm được gì?" – đại diện KOTRA đặt câu hỏi với ông Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Ông Trần Du Lịch khẳng định rằng, các địa phương đều e ngại những ngành công nghiệp có thể có những tác động không tốt đến môi trường. Sau những vụ việc doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường được phát hiện, tâm lý chung là "con chim bị thương thấy tên là sợ ". Nhưng nguyên nhân của vấn đề cũng đến từ sự quản lý yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước.
"Tôi lấy ví dụ tại TPHCM. Một nhà máy nhuộm ở Củ Chi nằm ở đầu nguồn, dưới đó là nhà máy nước. Do niềm tin, do quản lý kém. Cho nên, chính sách hiện nay là quy hoạch địa bàn và phải xử lý, kiểm soát về môi trường. Ngành luyện thép, nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm. Nhưng nguy cơ không có nghĩa là không khắc phục được. Cái này phải khắc phục và không thể không phát triển. Nói thật với nhau. Ai cũng chê ô nhiễm thì ai làm? Nước giàu làm chăng? Nước nghèo chưa chịu làm thì nước giàu nào làm. Vấn đề là kiểm soát nó thế nào" – ông Trần Du Lịch nói.
Theo ông Trần Du Lịch, chi phí xử lý chất thải làm tăng giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp có xu hướng giảm chi phí, nhưng họ đang đi theo "những con đường không ngay ngắn". Vì thế, các địa phương có cơ sở để lo ngại những dự án đầu tư của doanh nghiệp. Để khắc phục điều này, năng nhưng điều này cũng thể hiện sự quản lý chưa tốt.
Làm gì để được hưởng lợi từ các FTA?
Thực tế, đóng góp của ngành dệt may vào tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đứng sau ngành hàng điện thoại di động và linh kiện. Lĩnh vực này luôn được coi là trọng tâm trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Việt Nam với các nước. Thậm chí, dệt may là lĩnh vực duy nhất có một chương quy định riêng trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương.
"Nhưng để có thể hưởng lợi từ CPTPP, nguyên liệu đầu vào cũng phải được sản xuất trong nước. Hiện nay, Việt Nam có sản xuất sợi nhưng không làm ra vải. Sợi sản xuất ra được xuất khẩu sang Trung Quốc. Vải được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc" – ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) cũng đưa ra quy định nghiêm ngặt về xuất xứ đối với sản phẩm dệt may. Theo đó, hàng dệt may sẽ không được hưởng ưu đãi thuế nếu nguyên phụ liệu vẫn được nhập khẩu như hiện tại. Sản phẩm của Việt Nam cần đạt những tiêu chuẩn về xuất xứ và chất lượng cao hơn để có thể cạnh tranh tại Châu Âu.
Bà Miriam Garcia-Ferrer, Trưởng bộ phận thương mại và kinh tế, Phái đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam
"Năng lực cạnh tranh của Việt nam không cao như các nước khác và cần làm nên những sản phẩm tinh thay vì sản xuất thô. Tôi không nói sản phẩm Việt Nam không tốt, nhưng hình ảnh, thương hiệu của sản phẩm Việt Nam trong mắt người Châu Âu không tốt. Hàng hóa cần phải đạt các tiêu chuẩn và thực thi nghiêm các quy định" – bà Miriam Garcia-Ferrer, Trưởng bộ phận thương mại và kinh tế, Phái đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam.