Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân đã nhiều lần được khẳng định, gần đây nhất là Nghị quyết 10 (năm 2017). Ông đánh giá thế nào về vai trò của kinh tế tư nhân thể hiện trong thực tiễn?
Quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã bắt đầu từ quá trình Đổi mới. Đảng, Nhà nước đã nhìn nhận Việt Nam là một nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế tư nhân là một trong những thành phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Theo từng bước thay đổi nhận thức về sự lớn mạnh và vai trò của kinh tế tư nhân, chúng ta đã có Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Và đến Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, tức là quá trình đánh giá của Đảng và cả xã hội đã thể hiện xu hướng tăng dần mức độ đóng góp của kinh tế tư nhân. Từ đó, tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP của nền kinh tế cũng liên tục tăng.
Bởi vậy, để nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ, phải phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, song song với việc cải thiện hiệu quả khu vực DNNN. Nghị quyết 10/2017 của Trung ương chính là động lực quan trọng cho khối kinh tế tư nhân phát triển.
Nhưng DNNN – những "quả đấm thép" đang dần bị thế chỗ bởi các doanh nghiệp tư nhân. Ông có nhận định gì về các tập đoàn lớn, đầu tàu?
Sự mong đợi của chúng ta chính là làm sao có nhiều tập đoàn kinh tế lớn, những tập đoàn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nhưng thực tế chúng ta cũng thấy, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, mà có thể kể đến như VinGroup, Thaco, FPT, Vietjet Air, Hòa Phát, Đồng Tâm, Hoàng Anh Gia Lai… Đếm đi đếm lại cũng chỉ chừng 10 cái tên để có thể gọi là những doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò nắm giữ các thương hiệu lớn của quốc gia. Chúng ta phải có chính sách hỗ trợ.
Một điểm chúng ta cần lưu ý là vừa qua Nhà nước bắt đầu đẩy mạnh việc cổ phần hóa DNNN, nghĩa là nhà nước "nhường sân" cho kinh tế tư nhân, nhưng nếu kinh tế tư nhân không đủ lực đảm đương, những "sếu đầu đàn" chưa đủ sức để đảm đương vai trò dẫn dắt nền kinh tế thì sân chơi đó sẽ bị để trống cho nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tăng vốn góp, vốn liên danh, vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước.
Cho nên để đảm bảo sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế, vai trò chính nằm ở kinh tế tư nhân, nhất là những tập đoàn kinh tế lớn. Ngoài ra, kinh tế Nhà nước, DNNN cũng phải giữ được vai trò chủ đạo của mình.
Chứng kiến sự đổ vỡ của những "quả đấm thép" thời gian qua, theo ông, Nhà nước cần điều tiết, tiếp sức thế nào để kinh tế tư nhân - kỳ vọng mới của nền kinh tế tránh những vết xe đổ?
Kinh tế thị trường rất khắc nghiệt đối với bất cứ doanh nghiệp nào, sự sàng lọc diễn ra rất nhanh. Doanh nghiệp tư nhân nếu làm tốt thì cất cánh rất nhanh, ngược lại không chịu được áp lực thì sẽ bị loại bỏ.
Cho nên chúng ta mới cần phải giữ lại những "đầu tàu" kinh tế nhà nước để giải quyết những khiếm khuyết của kinh tế thị trường. Còn để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, Nhà nước phải đảm bảo một môi trường minh bạch, công bằng để các nhà đầu tư có thông tin xác thực và nắm được tình hình doanh nghiệp đầu tư ra sao.
Thị trường nghĩa là sinh tử. Mỗi năm, Việt Nam có trên 120.000 doanh nghiệp được thành lập mới nhưng cũng có cả vài chục ngàn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc giải thể. Doanh nghiệp tư nhân cũng phải ý thức được việc đó.
Theo ông, cần làm gì để Việt Nam có nhiều hơn nữa những Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế?
Trong thực tế, phải thấy kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cần có đột phá hơn về thể chế khuyến khích khối tư nhân đầu tư, làm ăn. Cụ thể, tư nhân chưa dám đầu tư dài hạn vì chưa có niềm tin vào thể chế, luật pháp thường xuyên điều chỉnh.
Kinh tế tư nhân đang phát triển chủ yếu ở tầm ngắn hạn, thiếu doanh nghiệp ở tầm dài hạn. Chúng ta thiếu những đại gia, những tập đoàn lớn như Intel, Samsung. Kinh tế tư nhân "lóe lên" thời gian qua nhưng cần tiếp tục hỗ trợ.
Việc nhà nước cần làm là tạo môi trường minh bạch và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân trong nước qua việc xây dựng thể chế, sau nữa là về thị trường vốn, lãi suất (lãi suất phải thấp) và logistics (chi phí vận chuyển, lưu thông hiện đang rất cao, là gánh nặng với doanh nghiệp).
Ngoài ra, chúng ta cần những chính sách hỗ trợ tốt nhất để làm sao doanh nghiệp tư nhân đi vào từng "ngõ ngách", đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp vì đó là thế mạnh của Việt Nam.
Cảm ơn ông!